Skip to main content

Thầy giáo học Bác, “bắt nhịp cầu” yêu thương

Lần thứ 2 gặp lại, thầy giáo Dương Chí Công (sinh năm 1972, giáo viên Trường Tiểu học “A” Vĩnh Trạch, xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vẫn tràn đầy năng lượng và hăng say “bắt nhịp cầu” yêu thương đến những mảnh đời bất hạnh, xem đó là niềm vui, hạnh phúc của người theo nghề giáo.

htbh

          Gương sáng học tập Bác

Xác định việc học tập và làm theo Bác là việc làm cần thiết và quan trọng đối với bản thân, nhất là với người giáo viên, thầy Công sẵn sàng giúp đỡ, “tiếp sức” những trường hợp học sinh ốm đau, khó khăn đột xuất. Đồng thời, tặng xe đạp, thẻ bảo hiểm y tế để “thắp sáng” ước mơ đến trường của học trò nghèo.

Nỗ lực trong chuyên môn, nặng lòng với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đó là nhận xét của nhiều đồng nghiệp về thầy Công. Song, với thầy Công, niềm vui lớn nhất là được đứng trên bục giảng, nắn nót từng con chữ để nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão của học sinh vùng quê, đặc biệt là được góp chút sức nhỏ, giúp học sinh khó khăn đến trường.

Không chỉ vậy, thầy Dương Chí Công còn được xóm làng yêu mến vì tấm lòng thiện nguyện, sẵn sàng hỗ trợ những trường hợp ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, già yếu neo đơn, thiên tai, hỏa hoạn… Bất luận ở xa hay gần, trong hay ngoài địa phương, những khi “tiếp nhận” được thông tin cần được giúp đỡ, thầy Công luôn tìm hiểu, làm “cầu nối” gắn kết đến những tấm lòng nhân ái. Gắn bó việc thiện nguyện chỉ hơn 6 năm, nhưng thầy Công được nhiều người nhờ đến nhờ sự giúp đỡ, hiệu quả và minh bạch trong cách làm.

“Trước khi bắt tay kêu gọi những nhà hảo tâm giúp đỡ, tôi dành nhiều thời gian đi đến từng hoàn cảnh để tìm hiểu, xác minh từ chính quyền địa phương. Nắm được khó khăn đến đâu, ốm đau thế nào của từng đối tượng, tôi sẽ “kêu gọi” hỗ trợ. Khi công khai số tiền hỗ trợ trên trang Facebook cá nhân, tôi luôn ghi chú thêm thời gian nhà hảo tâm gửi tiền để tránh những hiểu lầm. Có lẽ, nhờ mọi việc làm đều minh bạch nên nhiều người nhiệt tình ủng hộ, đồng hành.

Có trường hợp được vận động giúp đỡ từ hơn chục triệu đến vài chục triệu đồng. Hầu như tuần nào, tôi cũng nhận được những cuộc gọi từ các khoa của Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang nhờ đóng viện phí cho các trường hợp khó khăn hoặc hỗ trợ viện phí mổ cho bệnh nhân hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Tất nhiên, những trường hợp ấy tôi sẵn sàng giúp ngay vì cứu người là ưu tiên hàng đầu” - thầy Công chia sẻ.

Cho đi là… còn mãi!

Chưa dừng lại ở đó, thầy Công còn vận động xây cất nhà Tình thương cho những hoàn cảnh thiếu trước hụt sau. Trung bình mỗi căn nhà có trị giá khoảng 25 triệu đồng, đảm bảo tiêu chí 3 cứng. Nhân công cất nhà hoàn toàn miễn phí vì theo thầy Công, đã giúp người khó thì phải giúp “cho trót”.

Vừa nhận căn nhà do thầy Công vận động kinh phí từ nhà hảo tâm, bà Võ Thị Bé Sáu (xã Vĩnh Trạch) vui mừng khôn tả. Bà Bé Sáu cho biết, đây là căn nhà mơ ước với gia đình. Bởi nếu không được hỗ trợ, không biết đến bao giờ bà mới cất được ngôi nhà khang trang thế này. Ngày về ngôi nhà mới, bà Bé Sáu còn được nhiều tấm lòng trao tặng các vật dụng cần thiết, như: Giường, mền, quạt, đồng hồ và các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Lòng trắc ẩn với những mảnh đời nghèo khó của người thầy giáo miền quê chưa dừng lại ở đó. Thầy Công còn mở ra quán buffet chay “5k” (xã Vĩnh Trạch) để tiếp thêm phần nào cho cuộc sống mưu sinh của những người thu nhập thấp. Mở quán trong thời điểm dịch COVID-19, khi ấy, thầy Công gặp không ích khó khăn từ kinh phí vận động đến nhân lực phục vụ. Rất may, nhờ sự kiên trì, quyết tâm đã duy trì quán ăn đến hôm nay.

Theo đó, quán được cất trên phần diện tích đất nhà của thầy Công nên đỡ được chi phí thuê mặt bằng. Thu mỗi phần ăn 5.000 đồng với mục đích hỗ trợ những cô chú đứng bếp, phụ bếp, những người không quản công sức, dành thời gian gắn bó cùng quán hàng ngày, hàng giờ.

“Khách đến đây hầu hết đều là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động, bán vé số… Dù là ai thì khi đặt chân đến quán đều được đón tiếp ân cần, chu đáo. Dẫu còn không ít khó khăn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để duy trì hoạt động ý nghĩa này nhằm chia sẻ gánh nặng “cơm áo, gạo tiền” với người nghèo” - thầy Công chia sẻ thêm.

Thầy Công còn vui mừng chia sẻ với chúng tôi, vừa mua được chiếc xe 12 chỗ (cũ), bỏ thêm tiền sang sửa lại để làm xe chuyển viện miễn phí cho người nghèo với chi phí gần 50 triệu đồng. Tất cả đều do thầy tự bỏ tiền túi ra làm bằng tất cả tấm lòng dành cho người nghèo. Đã vậy, chi phí xăng dầu phục vụ cho việc chuyển bệnh trong và ngoài tỉnh, thầy Công tự bỏ tiền túi. “Đâu thể cái gì cũng đứng ra kêu gọi nhà hảo tâm. Việc gì trong khả năng thì mình cố hết sức mà làm” - thầy Công bộc bạch.

Thầy Nguyễn Văn Thuận (Hiệu trưởng Trường Tiểu học “A” Vĩnh Trạch) cho biết: “Thầy Công rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, nghiêm túc chấp hành theo sự phân công của Ban Giám hiệu nhà trường.

Ngoài việc cập nhật phương pháp giảng dạy, thầy còn tích cực trong công tác vận động chăm lo cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhất là bảo hiểm y tế, quà tiếp bước đến trường. Thầy Công vinh dự được Đại hội đại biểu MTTQVN xã Vĩnh Trạch tín nhiệm hiệp thương cử giữ chức ủy viên UBMTTQVN xã Vĩnh Trạch, nhiệm kỳ 2024 - 2029”.

Với những đóng góp tích cực trong công tác xã hội - từ thiện, thầy Dương Chí Công được UBND huyện Thoại Sơn tặng giấy khen vì có nhiều đóng góp trong công tác vận động, ủng hộ an sinh xã hội năm 2024; Chủ tịch UBND tỉnh An Giang tặng bằng khen vì có thành tích trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu xã Vĩnh Trạch năm 2023.

 

Trang Phong – Sưu tầm

Nguồn: Báo An Giang Online