Thoại Sơn hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao
Những thành tựu vượt bậc trong sản xuất đang tạo ra bước chuyển mới trong phát triển nông nghiệp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang chuyển mình vươn lên mạnh mẽ.
Một trong những thành công ấn tượng nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Thoại Sơn là sự phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, với những mô hình hoạt động hiệu quả, có cách làm hay, tạo hàng nghìn việc làm.
Điển hình, Liên hiệp HTX Thoại Sơn hiện đang là tập hợp của 7 HTX thành viên gồm HTX nông nghiệp ở Thoại Sơn gồm An Bình, Bình Thành, Tân Đông, Vọng Thê, Sơn Hòa, Hòa Tân, Thắng Lợi. Ngoài ra còn có 4 HTX liên kết là HTX Phú Thuận, Thạnh Giang, Thành Mỹ, Óc Eo.
Từ chỗ là những HTX manh mún nhỏ lẻ, việc liên kết lại giúp các đơn vị nâng cao nội lực sản xuất, trở thành cộng đồng trồng lúa.Chuỗi liên kết mạnh giúp các HTX tự tin sản xuất lớn, làm ăn sòng phẳng với doanh nghiệp.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của địa phương, các HTX đã ký hợp đồng liên kết với Tập đoàn Lộc Trời để hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa gạo chất lượng cao, tự tin chinh phục thị trường trong nước và xuất khẩu
Trên cánh đồng của HTX An Bình hiện tại có các thiết bị sản xuất hiện đại, như máy cày, máy cắt, cuộn rơm, máy kéo lúa, phun xịt lúa bằng máy bay đang hoạt động siêng suốt để đem lại một vụ mùa bội thu… HTX từ chỗ chỉ cung cấp vài ba dịch vụ bơm tưới, hiện tại đã thành nơi “Bà con cần cái gì có cái đó”. Hợp đồng bao tiêu được ký từ đầu vụ, chưa xuống giống đã có thể biết vụ này lời lãi bao nhiêu!
Không chỉ có HTX An Bình, tại các HTX nông nghiệp khác như Vọng Thê, Sơn Hòa, Hòa Tân, Thắng Lợi… cũng tương tự. Lợi ích từ kinh tế hợp tác đang lan tỏa rộng khắp huyện Thoại Sơn, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 69,7 triệu đồng/người/năm, tăng 15,7 triệu đồng, giá trị sản xuất bình quân 205 triệu đồng/ha/năm, diện tích chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng rau màu là 1.287 ha, lợi nhuận đạt từ 45-65 triệu đồng/ha; chuyển đổi sang trồng cây ăn trái là 930,55 ha, lợi nhuận đạt từ 60-120 triệu đồng/ha.
Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp được triển khai, nhân rộng. Qua đó, tạo động lực để chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện cũng tiếp tục đạt kết quả tích cực, đảm bảo lộ trình đề ra.
Cụ thể, trong năm 2022, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao tiếp tục được duy trì, nâng chất, đảm bảo theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2026. Địa phương hoàn thành hồ sơ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cho xã Định Thành, chuẩn bị hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số để xây dựng nông thôn mới thông minh cho xã Thoại Giang.
Với những điểm tựa đang có, huyện đang tập trung thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu để đảm bảo đủ điều kiện năm 2023 đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao theo lộ trình kế hoạch đã đề ra.
Năm 2023, Thoại Sơn tiếp tục xác định chủ đề “Hướng về cơ sở”, với những mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Để hoàn thành nhiệm vụ, huyện dự kiến tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm.
Song song đó, huyện Thoại Sơn thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích phát triển vùng chuyên canh sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh củng cố, phát triển HTX sản xuất nông nghiệp theo hướng phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, mở rộng dịch vụ sản xuất - kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Trang Phong