Skip to main content

Thoại Sơn chủ động tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) là hiểm họa thường trực đối với người tham gia giao thông, để lại nỗi đau cho người thân, thêm gánh nặng cho xã hội, gây tổn thất về vật chất của gia đình và xã hội. Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông (ATGT) luôn được xem là mục tiêu quan trọng trong công tác đảm bảo trật tự ATGT, tiến tới xây dựng môi trường văn hóa giao thông an toàn, thân thiện.

h1

        Có thể khẳng định rằng, bất cứ người tham gia giao thông nào cũng không muốn gặp tai nạn, nhưng không phải ai cũng nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Biết rõ sự đau thương, mất mát mà TNGT đem lại, nhiều người vẫn không chấp hành tốt pháp luật, để rồi phải hối hận muộn màng và thốt lên 2 từ “Giá như”…

        Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến va chạm, TNGT những năm qua trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Thoại Sơn nói riêng bao gồm khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu lưu thông của phương tiện. Nguyên nhân chủ quan do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông còn thấp, đây là vấn đề đáng lo ngại nhất.

        Ông Đỗ Quốc Huy, khóm Nam Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn chia sẻ: “Hiện nay, dù cơ quan chức năng thường xuyên tuần tra đảm bảo trật tự ATGT cả ngày lẫn đêm, nhưng tôi thấy ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân chưa cao. Tình trạng nhậu nhẹt, say xỉn chạy xe trên đường không hề ít. Ngoài ra, nhiều thanh niên “choai choai” chưa có giấy phép lái xe, nhưng vẫn chở 3 - 4 người trên “ngựa chiến”, chạy trên đường tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, nẹt pô, cố “thể hiện mình” trên đường vẫn xuất hiện thường xuyên”.

      “Mỗi khi ra đường, không khó bắt gặp hình ảnh người điều khiển xe tham gia giao thông gây nhiều phen hú vía cho người đi đường. Đó là chưa kể đến những “hung thần đường lộ”, xe tự chế chở hàng cồng kềnh, xe cũ chở nước đá vô tư chạy lạng lách trên đường… Gặp phải những trường hợp như thế, tôi đều tấp xe vào lề đường, đợi đến khi an toàn rồi mới đi tiếp” – Bà Nguyễn Thị Tú Nguyên, ấp Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn chia sẻ.

       Theo thống kê từ Ban ATGT tỉnh An Giang, 7 tháng của năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 127 vụ TNGT, làm chết 99 người và 71 người bị thương. So cùng kỳ năm 2022, TNGT tăng 28 vụ (tăng 28,3%), tăng 8 người chết (8,8%), tăng 49 người bị thương (gần 223%). Riêng huyện Thoại Sơn từ đầu năm đến nay đã xảy ra 12 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 12 người, bị thương 07 người (tăng 02 vụ so với cùng kỳ).Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do người điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Đặc biệt, tình trạng người đi xe môtô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn xảy ra thường xuyên.

       Trước thực trạng này, bên cạnh tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT gắn với phòng, chống tội phạm, hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT từ phía người dân luôn được các cấp, ngành trên địa bàn huyện Thoại Sơn chú trọng thực hiện.

        Đặc biệt, việc tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông đường bộ trong các trường học được quan tâm, với nhiều hình thức: Thông qua buổi học chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, báo cáo chuyên đề, phù hợp từng độ tuổi học sinh. Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan bằng cụm ảnh, pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu, băng-rôn tại trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư, bến xe, nút giao thông và hệ thống loa truyền thanh từ huyện đến cơ sở được tăng cường.

        Thời gian tới, Ban ATGT huyện Thoại Sơn tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đổi mới nội dung lẫn hình thức tuyên truyền, phù hợp điều kiện của từng địa phương, từng đối tượng khác nhau. Nội dung tuyên truyền đi vào chủ đề chuyên sâu; hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh TNGT, hậu quả của TNGT đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

        Ngành Giáo dục và Đào tạo, các cấp bộ Đoàn tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về đảm bảo ATGT trong hệ thống trường học, thông qua tọa đàm, diễn đàn, mít-tinh, lồng ghép trò chơi hái hoa dân chủ, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự ATGT, gắn với phòng, chống tội phạm; duy trì hiệu quả mô hình giữ gìn trật tự ATGT tại địa phương. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của người tham gia giao thông./.

               

Trang Phong