Sản phẩm OCOP cùng địa phương phát triển
Thời gian qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh An Giang nói chung và huyện Thoại Sơn nói riêng đã lan tỏa sâu rộng, phát huy tiềm năng, thế mạnh những sản vật, ngành nghề truyền thống tại mỗi địa phương theo hướng phát triển nội lực, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Thông qua Chương trình OCOP, các xã thị trấn trên địa bàn huyện đã chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu đặc sản, khuyến khích các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống. Hình thành nhiều sản phẩm OCOP vùng, miền, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu thị trường, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất.
Chương trình tạo việc làm cho lao động nông thôn; thúc đẩy hướng phát triển sinh kế ở những vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP có bước tiến về chất lượng, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hầu hết có mặt tại các siêu thị, trung tâm thương mại, thị trường trong và ngoài tỉnh.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn huyện Thoại Sơn có 28 sản phẩm của 24 chủ thể kinh tế đã được đánh giá và phân hạng đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” còn hạn công nhận từ 3 sao trở lên, gồm: 2 sản phẩm đạt 5 sao, 26 sản phẩm đạt 3 sao (01 sản phẩm tiềm năng 4 sao).
Trong đó, 28 sản phẩm của 24 chủ thể kinh tế còn thời hạn chứng nhận “Sản phẩm OCOP” từ 3 sao trở lên, gồm: Có 2 sản phẩm 5 sao, 26 sản phẩm 3 sao (01 sản phẩm tiềm năng 4 sao).
Thời gian qua, trong quá trình tham gia Chương trình OCOP, hộ kinh doanh “Kim Chi Cải Thảo” xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn đã nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành chuyên môn trong tư vấn, hướng dẫn quá trình sản xuất, hỗ trợ thực hiện hồ sơ công nhận sản phẩm, giới thiệu sản phẩm để hình thành các chuỗi sản xuất, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh để nâng cao giá trị và nâng tầm thương hiệu cho sản phẩm.
Năm 2024, sản phẩm “Kim Chi Cải Thảo” xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh An Giang công nhận đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ đó, nâng cao được uy tín thương hiệu sản phẩm, đồng thời góp phần quảng bá sản phẩm vươn xa đến các thị trường.
“Nhận thức được tầm quan trọng của Chương trình OCOP nên cơ sở của tôi đã chuyển đổi quy trình sản xuất chế biến hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và thay đổi mẫu mã bao bì sản phẩm theo quy chuẩn để được công nhận là sản phẩm OCOP. Và sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, cơ sở của tôi có nhiều cơ hội quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, khách hàng biết đến sản phẩm nhiều hơn, bán được giá cao và đầu ra cũng ổn định”- Chị Trần Thị Kim Chi, chủ hộ kinh doanh “Kim Chi Cải Thảo” xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn , cho biết.
Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện về sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành và chủ thể trong việc đổi mới, sáng tạo trong tư duy, phương thức sản xuất, khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Các sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có truy xuất nguồn gốc, có mẫu mã, bao bì đa dạng, thân thiện với môi trường; khẳng định được vị thế và chỗ đứng trên thị trường, tạo niềm tin của người tiêu dùng.
Chị Vương Kim Đính, chủ hộ kinh doanh Rượu Đinh lăng và Trà Đinh lăng “Vương Kim” xã Bình Thành, huyện Thoại Sơn chia sẻ: “Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ của sản phẩm được tăng lên. Bên cạnh đó, cơ sở còn tăng cường đẩy mạnh quảng bá và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để người tiêu dùng ngày càng biết đến sản phẩm. Đồng thời thường xuyên cải tiến bao bì, mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng”.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng với kết quả đạt được trong thời gian qua, Chương trình OCOP góp phần thúc đẩy đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới bền vững./.
Trang Phong