Thoại Sơn 45 năm xây dựng và phát triển
Thoại Sơn trải qua 45 năm xây dựng và phát triển (23/8/1979 – 23/8/2024), từ một vùng quê nghèo khó ở buổi đầu nhưng với những bước đi đúng hướng, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn của Đảng bộ, chính quyền và người dân, Thoại Sơn hôm nay đã chuyển mình mạnh mẽ với diện mạo mới, phát triển vượt bậc, toàn diện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Người khai sinh ra vùng đất Thoại Sơn là danh thần Nguyễn Văn Thoại ( Thoại Ngọc Hầu). Sinh ra ở đất Quảng Nam nhưng cuộc đời ông lại gắn bó với vùng đất Nam Bộ. Năm 1818, ông đốc suất đào kênh Thoại Hà từ ngã 3 Ba Bần qua Núi Sập, tới Rạch Giá dài hơn 31 km, với 1.500 dân binh và hoàn thành chỉ trong hơn 1 tháng trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của núi rừng thiêng nước độc. Năm 1822, Thoại Ngọc Hầu đã long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập thôn Thoại Sơn.
Quá trình mở đất và giữ đất, vùng đất Thoại Sơn đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của cha ông. Phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược. Thoại Sơn là cái nôi nuôi dưỡng cách mạng và con người nơi đây đã làm nên những chiến công vang dội. Những mẹ Việt Nam anh hùng, những anh hùng lực lượng vũ trang như: Nguyễn Thị Bạo, Nguyễn Văn Muôn đã làm cho kẻ thù khiếp sợ và lưu danh muôn thuở với quê hương.
Sau khi miền Nam hoàn toàn thống nhất đất nước 30/04/1975 cho đến năm 1979 là những năm huyện Huệ Đức, sau đó là Châu Thành gặp nhiều khó khăn, thử thách với thù trong giặc ngoài, thiên tai, lũ lụt. Năm 1977, tập đoàn Pôn Pốt xua quân trực tiếp đánh vào 20 xã biên giới của ta, gây bao cuộc thảm sát và tội ác man rợ. Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh giải phóng kéo dài 30 năm, nhân dân Thoại Sơn lại ra sức đóng góp sức người, sức của để bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Sau khi 2 cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc chấm dứt, cùng với cả tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Thoại Sơn bắt tay vào khắc phục hậu quả, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân.
Ngày 23/08/1979 là một dấu mốc quan trọng khi Thoại Sơn được trở thành về với tên gọi của người khai sinh vùng đất này. Huyện Thoại Sơn được tách ra từ huyện Châu Thành theo Quyết định số 300/CP của Chính phủ.
Sau 45 năm đoàn kết, bền bỉ vượt khó, huyện Thoại Sơn đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực với bước phát triển ngày càng vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Đặc biệt là tiên phong, điểm sáng của tỉnh An Giang trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thông mới.
Nếu như năm 1979 nền kinh tế chủ yếu là thuần nông với tỷ trọng nông nghiệp chiếm trên 85% thì đến nay, tỷ trọng Khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 44,86%; công nghiệp - xây dựng chiếm 19,08% và thương mại - dịch vụ chiếm 36,06%.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm, đến nay còn 1,32%. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của huyện không ngừng được đầu tư và mở rộng, thông suốt từ huyện đến các xã, thị trấn. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, thực hiện tốt.
Cùng với sự phát triển KT-XH, các cấp lãnh đạo của huyện và toàn hệ thống chính trị luôn quan tâm đến các chương trình xã hội mang tính nhân văn. Đến nay, đã vận động các mạnh thường quân đóng góp 31 tỷ đồng, để thành lập 28 quỹ trên địa bàn huyện (trong đó 23 quỹ khuyến học trên 19 tỷ đồng; gần 12 tỷ bao gồm quỹ hưu trí, nghĩa tình đồng đội, quỹ ân sư, quỹ bảo trợ người tàn tật trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, quỹ cán bộ từ trần và kinh phí xây dựng nghĩa trang cán bộ).
Ghi nhận công lao, thành tích vượt trội của huyện Thoại Sơn trong kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như trong thời kỳ đổi mới, trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay. Huyện Thoại Sơn vinh dự và tự hào được Nhà nước phong tặng là huyện đầu tiên trong cả nước đạt cả 3 danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang năm 2000, Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2009 và huyện Nông thôn mới năm 2018.
Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, từ năm 2011 đến nay, huyện Thoại Sơn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của huyện không ngừng được đầu tư và mở rộng; kinh tế xã hội có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn có sự thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh Covid 19, huyện huy động sức người, sức của toàn hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tiếp nhận, quản lý và phân phối các nguồn vận động, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện trong nhiệm kỳ qua được 3 tỷ 545 triệu đồng và hiện vật quy tiền là 16 tỷ 891 triệu đồng.
Kế thừa thành tựu đạt được huyện nông thôn mới (NTM) năm 2018, huyện tiếp tục xây dựng các Nghị quyết, kế hoạch nâng chất lượng từng tiêu chí, định hướng quyết tâm chinh phục mục tiêu huyện NTM nâng cao, thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống dân sinh. Đến nay, huyện đang hoàn thiện các hồ sơ minh chứng, chờ Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao trong năm 2024 và dự kiến tổ chức lễ đón nhận vào dịp kỷ niệm 45 năm tái thành lập huyện (23/8/1979 – 23/8/2024)
Đảng bộ huyện Thoại Sơn đã trải qua 12 kỳ đại hội với nhiều chủ trương, giải pháp sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, huyện Thoại Sơn đã phát huy được nội lực trong dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, tạo dựng được niềm tin trong quần chúng nhân dân.
“ Đảng thủy chung một dạ vì dân, thêu cơ nghiệp Thoại Sơn bền vạn thuở
Dân son sắt vạn niềm tin Đảng, dệt tương lai đất Thoại sáng muôn đời”
Đi lên từ khó khăn, hơn ai hết cán bộ và nhân dân Thoại Sơn luôn thấu hiểu những giá trị, những thành quả có được như ngày hôm nay, gìn giữ, phát huy truyền thống vẻ vang của quê hương, tiếp tục ra sức hăng say thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương Thoại Sơn ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh và nghĩa tình, hướng đến trở thành thị xã Thoại Sơn vào năm 2030./.
Anh Thư