Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa ở Thoại Sơn
Trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 48 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, có 07 di tích được xếp hạng (04 di tích được công nhận di tích cấp Quốc gia, 03 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh).
Các di tích lịch sử văn hóa từ khi được công nhận, các xã, thị trấn thành lập Ban Quản lý di tích, thực hiện quản lý chặt chẽ, không để xảy ra các hành vi vi phạm quy định của Luật Di sản văn hóa cũng như các quy định pháp luật hiện hành có liên quan. Từ đó, cảnh quan thiên nhiên của di tích luôn được bảo vệ; các hình thức văn hoá, lễ hội truyền thống và thuần phong mỹ tục của địa phương được bảo tồn, tổ chức hoạt động theo đúng quy định.
Đặc biệt Lễ hội truyền thống Lễ hội kỳ yên ở đình Thoại Ngọc Hầu được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia theo Quyết định số 2947/QĐ-BVHTTDL ngày 16/10/2020, qua đó hàng năm lễ hội được tổ chức lệ hàng năm vào ngày mùng 10 tháng 03 âm lịch, trùng ngày Giỗ tổ Hùng Vương với quy mô cấp tỉnh được sân khấu hóa thu hút trên 20.000 lượt khách tham dự trong thời gian diễn ra lễ hội.
Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn huyện được các cơ quan quản lý nhà nước kiểm kê thường xuyên và được cộng đồng chung tay bảo vệ, giữ gìn, phát huy bằng nhiều hình thức. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghệ thuật truyền thống, di sản, di tích, văn hóa và nâng cao kỹ năng sử dụng nhạc cụ dân tộc cho các học viên là những hạt nhân văn nghệ nòng cốt trong các CLB các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Qua đó, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện.
Cùng với việc đầu tư của Nhà nước, huyện luôn tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá việc tu bổ, tôn tạo di tích (ngân sách nhà nước trên 9 tỷ, xã hội hóa trên 10 tỷ đồng). Nhân dân trong huyện đã đóng góp nhiều ngày công, hàng trăm triệu đồng cho công việc bảo vệ, quản lý tu bổ, tôn tạo các di tích.
Ngoài ra, công tác tổ chức lễ hội tại các điểm di tích cũng được huyện quan tâm chỉ đạo. Hàng năm UBND huyện đều có hướng dẫn tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng quy chế của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và của các cấp, các ngành. Các lễ hội đều được thành lập Ban Tổ chức; các nghi lễ trong lễ hội được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hoá, quy chế tổ chức lễ hội, phù hợp với phong tục, tập quán của địa phương, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lễ hội, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín, dị đoan, các lễ hội đã thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như: Lễ hội kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu, Phan Thanh Giãn, đình Vĩnh Phú, đình Vĩnh Trạch. Miếu bà chúa Xứ Đá Nổi, xã Phú Thuận…
Các di tích lịch sử, văn hóa có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, cảnh quan, phục vụ khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Đồng thời thúc đẩy hoạt động du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân trên địa bàn huyện./.
Anh Thư