Skip to main content

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP nâng tầm giá trị sản phẩm

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn huyện Thoại Sơn nói riêng và tỉnh An Giang nói chung thực sự đã và đang nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Với việc được công nhận sản phẩm OCOP, nhiều chủ thể tạo được uy tín, thương hiệu, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh.

c1

Trên thực tế, với những giá trị mang lại, Chương trình OCOP đang tiếp tục được huyện Thoại Sơn đẩy mạnh triển khai, đặc biệt là sự tham gia và hưởng ứng của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là nâng cấp các sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.

cp

Đến nay trên địa bàn huyện Thoại Sơn có 16 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên: Trong đó có 02 sản phẩm được Trung ương công nhận 02 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao gồm gạo Tiên Nữ và gạo Thiên Vương thuộc Công ty Lương thực Thoại Sơn; 01 sản phẩm đạt 4 sao OCOP - Tranh lá Thốt Nốt và 13 sản phẩm công nhận 3 sao OCOP như: Nấm Linh chi; Trà Mãng cầu; gạo An Bình 1; Bưởi da xanh, Atiso đỏ sấy dẻo; Chả sốt Mayonaise; Cóc sấy dẻo; Trà Sâm Đinh Lăng; Rượu Sâm Đinh Lăng; Khô Cá Lóc 7 Chóp; Tàu Hủ Ki; Khô Cá Lóc Đại Phát và Rượu Nho rừng Năm Mai.

c3

Bên cạnh đó huyện đã hỗ trợ xã đưa sản phẩm OCOP của mình lên sàn thương mại điện tử như: Nấm Linh chi Tri Thức - xã Thoại Giang; Rượu và Trà Đinh Lăng - xã Bình Thành; Trà Mãng Cầu Thanh Nam - xã Định Thành; gạo An Bình 1 - xã An Bình; Bưởi Da Xanh Hùng Hạnh - xã Vọng Thê; Khô Cá Lóc Đại Phát - xã Vĩnh Phú. Ngoài ra, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục vận động, tuyên truyền các xã có sản phẩm OCOP, đặc trưng của huyện tham gia các sàn thương mại điện tử. Thường xuyên lựa chọn các sản phẩm đặc thù của địa phương để làm hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP.

c4

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn cho biết, việc tham gia Chương trình OCOP là cơ hội tốt để hợp tác xã khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường. Đây là cơ hội để các tổ chức, cá nhân nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành Nông nghiệp theo hướng nâng giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với những kết quả và giá trị mang lại, Chương trình OCOP thời gian qua đã tạo được sự lan tỏa và đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, trong thời gian tới, huyện Thoại Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh chương trình này, nhằm mục tiêu nâng tầm các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp của huyện. Trên tinh thần đó, các tổ chức, cá nhân và chủ thể đã có sản phẩm được công nhận OCOP đang tiếp tục hưởng ứng chương trình này.

c5

Để Chương trình OCOP tạo sức lan tỏa, ngày càng đi vào thực chất, góp phần nâng tầm nông sản huyện nhà, ngành Nông nghiệp sẽ đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn phổ biến nội dung Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức. Điều này nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ và Nhân dân, nhất là chủ thể sản xuất để hiểu rõ về lợi ích, giá trị kinh tế tích cực trong thực hiện Chương trình OCOP. Qua đó, kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của từng vùng, từng địa phương trong huyện. Một trong những nội dung quan trọng là ngành Nông nghiệp sẽ vận động, khuyến khích các chủ thể tích cực tham gia Chương trình OCOP, nhất là các sản phẩm sẵn có. Đồng thời, tích cực hỗ trợ các chủ thể định hình các sản phẩm ý tưởng có tiềm năng, lợi thế của địa phương đăng ký tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Trên cơ sở chính sách của Trung ương, tỉnh, huyện ngành Nông nghiệp sẽ nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân huyện cụ thể hóa các chính sách trên địa bàn huyện nhằm định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương…

c6

Để tiếp tục lan tỏa, triển khai có hiệu quả chương trình OCOP trong thời gian tới, Lãnh đạo huyện Thoại Sơn yêu cầu các cơ quan, ban ngành liên quan và các địa phương trong huyện cần đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá sâu rộng hơn về mục đích, ý nghĩa của chương trình này; Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gắn với xây dựng vùng nguyên liệu địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn, khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến thức, tài nguyên của địa phương./.

cp

cp

Trang Phong