Skip to main content

Thành quả huyện nông thôn mới nâng cao, niềm tự hào của đảng bộ và nhân dân Thoại Sơn

Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Thoại Sơn đã đạt được kết quả khá toàn diện, ngày càng đi vào chiều sâu với nhiều dấu ấn rõ nét, tạo nên một diện mạo mới khang trang, văn minh hơn cho vùng nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị; Cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp được bảo vệ và tôn tạo; Các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc được bảo tồn, phát huy giá trị… Những nỗ lực vượt bậc đó đã đưa Thoại Sơn trở thành điểm sáng của tỉnh An Giang trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thoại Sơn.

ntm1

Huyện Thoại Sơn vinh dự là huyện đầu tiên trong tỉnh An Giang đạt chuẩn huyện Nông thôn mới trong năm 2018, vượt lộ trình kế hoạch 01 năm. Nối tiếp niềm vui, niềm tự hào đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn hôm nay đã bước lên bậc thang chinh phục thành công huyện Nông thôn mới nâng cao trong năm 2023. Đến nay, huyện đã có 14/14 xã đạt xã Nông thôn mới nâng cao, 2 xã Nông thôn mới kiểu mẫu, 3 thị trấn đạt đô thị văn minh. Hội đồng thẩm định Trung ương đã bỏ phiếu đồng ý đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.

ntm2

Huyện có 01 tuyến quốc lộ 80 đi qua với chiều dài 1,2 km; 03 tuyến đường tỉnh (ĐT943, ĐT960, ĐT947) đi qua với tổng chiều dài 61,9 km; 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 144,3 km, mặt đường được nhựa hóa 100%, đảm bảo lưu thông thuận tiện quanh năm và kết nối liên thông từ trung tâm huyện tới trung tâm hành chính các xã, 100% các tuyến đường huyện được bảo trì hàng năm.

ntm3

Từ năm 2019 đến nay, huyện đã và đang tiếp tục thực hiện đầu tư nâng cấp mở rộng 10 tuyến đường huyện, dài 106 km đạt chuẩn cấp V đồng bằng, cơ bản đáp ứng và phù hợp với lộ trình quy hoạch phát triển giao thông trên địa bàn huyện đã được tỉnh phê duyệt. Hiện nay, toàn bộ 12 tuyến đường huyện đảm bảo phù hợp với quy hoạch mạng lưới giao thông của huyện; hệ thống cầu, cống trên các tuyến đường huyện đã được xây dựng kiên cố, phù hợp với cấp đường theo quy hoạch. Tỷ lệ km đường huyện đạt chuẩn theo quy hoạch hiện nay là 144,3 km/144,3 km, đạt 100%.

ntm4

Đường xã trên địa bàn gồm 11 tuyến với chiều dài 42,99 km, đến cuối năm 2018 đã được đầu tư cứng hóa 100%. Từ năm 2019 đến nay, các xã quan tâm thực hiện tốt công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên hệ thống giao thông đường xã trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng đảm bảo các hạng mục cần thiết về an toàn giao thông, cũng như thực hiện trồng cây xanh trên các tuyến. Hiện tại, tỷ lệ km đường xã được bảo trì hàng năm, đảm bảo sáng – xanh – sạch – đẹp và có các hạng mục cần thiết (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) theo quy định.

Đường ấp và đường liên ấp trên địa bàn có tổng số 31 tuyến với chiều dài 118,83km. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ Km đường ấp và đường liên ấp được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và bảo trì hàng năm; có các hạng mục cần thiết theo quy định (biển báo, biển chỉ dẫn, chiếu sáng, gờ giảm tốc, cây xanh…) và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp, đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải trên địa bàn của 14 xã là: 118,83 km/118,83 km, đạt 100%, tăng 40,03km và tăng 36,1% so với năm 2018.

Đường ngõ, xóm trên địa bàn 14 xã gồm 21 tuyến với chiều dài 19,4km. Đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ km đường ngõ, xóm được cứng hóa và đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.

Cùng với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, huyện luôn quan tâm, triển khai tốt các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và các chương trình chính sách hỗ trợ nhà ở trên địa bàn huyện. Đến nay, địa bàn 14 xã có 27.909/31.766 hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố, chiếm tỷ lệ 87,86%.

Sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi mạnh mẽ; phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch cũng đã từng bước phát triển; đã thu hút được doanh nghiệp lớn vào sản xuất thu hút được khoảng 10.000 lao động tại địa phương, Đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện đạt 73,5 triệu đồng/người/năm và giá trị sản xuất bình quân/ha đất nông nghiệp đạt 215 triệu đồng/ha,  tỉ lệ hộ nghèo giảm dần theo hàng năm, đến nay còn 1,32%. Hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của huyện không ngừng được đầu tư và mở rộng, thông suốt từ huyện đến các xã, thị trấn. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, thực hiện tốt.

Ông Lê Văn Đà - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thoại Sơn cho biết: “ Trên cơ sở thế mạnh địa phương là sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung tuyên truyền, hỗ trợ người dân, chuyển giao khoa học công nghệ, nguồn vốn hỗ trợ để người dân cải tạo vườn tạp, đất vườn kém hiệu quả chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng đó, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực của địa phương” .

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được xem là đòn bẩy để phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, việc lồng ghép Chương trình OCOP và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được huyện đặc biệt quan tâm. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 22 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, đặc biệt được Trung ương công nhận 2 sản phẩm đạt chuẩn 5 sao gồm gạo Tiên Nữ và gạo Thiên Vương thuộc công ty lương thực Thoại Sơn và 20 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 sao.

          Trong các cuộc họp nội dung về xây dựng Nông thôn mới, ông Dương Ngọc Lắm, Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn luôn nhấn mạnh: “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Mong muốn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện tiếp tục giữ vững và phát triển hơn nữa thành quả của quá trình xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở các yêu cầu huyện NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, huyện đã tiến hành rà soát từng chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định. Từ đó, triển khai đồng bộ các giải pháp kịp thời hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, đồng thời nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt mang tính bền vững; đảm bảo tiến độ hoàn thành các tiêu chí huyện NTM nâng cao năm 2023.

Theo đó, xác định, phân công rõ trách nhiệm cụ thể của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện từng nội dung công việc trong xây dựng NTM nâng cao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền với các hình thức đa dạng, phong phú và sinh động. Phát động phong trào thi đua để huy động nguồn lực và người dân tham gia thực hiện xây dựng NTM nâng cao. Huyện tiếp tục triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; xây dựng các mô hình chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nông sản; phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP… Mặt khác, huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn…”

Nông thôn mới ở Thoại Sơn đã và đang giúp người dân, đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả này không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đổi thay quê hương Thoại Sơn ngày càng khang trang, hiện đại và văn minh hơn, hướng đến trở thành thị xã Thoại Sơn vào năm 2030./.

                            Anh Thư