Thoại Sơn với những mô hình nổi bật trong xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao
Thoại Sơn là huyện giàu truyền thống cách mạng. Kể từ khi Danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia lập làng Thoại Sơn vào năm 1818, nhân dân Thoại Sơn đã trải qua nhiều cuộc đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, để bảo vệ quê hương và giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Ghi nhận công lao to lớn của địa phương ngày 28/4/2000, Đảng bộ và nhân dân Thoại Sơn được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”. Với truyền thống cách mạng vẻ vang, bản tính cần cù, chịu khó cùng với tiềm năng kinh tế và lực lượng lao động dồi dào, Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn phấn đấu xây dựng quê hương từ một vùng đất bao đời hoang hóa trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa quan trọng của khu Tứ giác Long Xuyên. Ngày 30/5/2009, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quyết định phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lao động” cho cán bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sáng tạo, góp phần vào thành quả đổi mới của Đảng ta.
Qua hơn 13 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Thoại Sơn đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn của huyện không ngừng được đầu tư và mở rộng; kinh tế xã hội có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn có sự thay đổi; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; tình hình an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh. Ngày 31/7/2019 huyện Thoại Sơn được Thủ tướng Chính phủ Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018 theo Quyết định số 956/QĐ-TTg. Đến nay huyện đang hoàn thiện các hồ sơ minh chứng để mời văn phòng điều phối Trung ương tỉnh đến thẩm định công nhận huyện Nông thôn mới nâng cao trong năm 2023.
Quá trình xây dựng Nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, huyện đã xuất hiện các mô hình nổi bật, như: Mô hình xã hội hoá đầu tư xây dựng giao thông nông thôn, mô hình camera an ninh, mô hình xã thông minh Thoại Giang, Mô hình “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong học đường” tại xã Vĩnh Trạch, mô hình biến rác thải thành BHYT của Hội liên hiệp phụ nữ xã Bình Thành. Và các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn như: Mô hình “Ứng dụng công nghệ tưới phun kết hợp bón phân cho vườn bưởi da xanh bằng thiết bị điều khiển từ xa bằng điện thoại di động” của vợ chồng ông dân Nguyễn Quốc Hùng và Lê Thị Hạnh tại xã Vọng Thê, mô hình “Nhân giống hoa trong nhà lưới sử dụng hệ thống phun sương” ở xã Định Thành, mô hình “Mít hữu cơ Nguyễn Hoàng” ở xã Định Thành, mô hình “Trồng cây sung (Ficus carica) trong nhà màng” xã Định Thành.
Phát huy những thành tựu đạt được của giai đoạn 2011-2018, tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và vận động mọi tầng lớp nhân dân xác định được việc xây dựng cầu xã hội hóa là nhiệm vụ chung của toàn xã hội; mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân; tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân; sự ủng hộ đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong đầu tư xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn.
Kết quả giai đoạn 2019 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng 77 cây cầu (gồm 14 cầu sắt, 41 cầu bê tông, 02 cầu thép), tổng mức đầu tư trên 121 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn xã hội hóa đầu tư trên 38 tỷ đồng). Các cầu xã hội hóa được đầu tư xây dựng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ của nhân dân, nhất là trên các tuyến đường nội đồng; góp phần rất lớn trong việc kết nối giao thông giữa nông thôn và thành thị.
Hiện nay, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn huyện, hệ thống cầu, cống được đầu tư xây dựng bằng pêtông, mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, xe ôtô 04 bánh dễ dàng lưu thông thuận lợi từ trung tâm hành chính huyện đến trung tâm các xã, ấp; đường thủy bộ thông thuyền được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa và đi lại của nhân dân, phát triển nhiều ngành nghề cũng như rút ngắn dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn.
Huyện đạt được kết quả như trên là nhờ sự đóng góp nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cũng như tất cả các tầng lớp nhân dân trong xã hội góp sức thực hiện. Cùng với đó là vai trò hết sức quan trọng của chính quyền địa phương các cấp trong việc định hướng và tập hợp nguồn lực để đầu tư xây dựng; trong sử dụng hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, của các doanh nghiệp và phát huy nguồn lực của địa phương; quan tâm, chú trọng công tác quản lý nhà nước về đầu tư, công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thi công, xây dựng; phát huy tốt vai trò giám sát của các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong quá trình đầu tư xây dựng… đã đưa diện mạo nông thôn huyện Thoại Sơn ngày càng khởi sắc; đời sống người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao; có điều kiện chủ động tham gia, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Thoại Sơn ngày một giàu đẹp./.
Anh Thư