Skip to main content

Anh Dương Thanh Sơn học Bác từ những việc làm cụ thể, thiết thực

Với tâm niệm “cho đi là còn mãi”, sẵn sàng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, vận động người thân trong gia đình đóng góp kinh phí xây dựng cầu nông thôn. Việc làm này của anh Dương Thanh Sơn vừa mang ý nghĩa nhân văn vừa góp phần cùng với chính quyền địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới.

          Không chỉ được biết đến là một nông dân năng động, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kĩ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp mà anh Dương Thanh Sơn, ngụ ấp Trung Phú 5, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang còn được biết đến là người có tấm lòng nhân ái, kết nối những trái tim thiện nguyện tham gia vào các hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương.

hb1

            Ấp Trung Phú 5 nằm trên truyến Kênh Làng, tiếp giáp với xã Tân Phú và Vĩnh Nhuận của huyện Châu Thành, hoạt động kinh tế của bà con nơi đây chủ yếu dựa vào cây lúa. Cùng là địa bàn giáp ranh nên nhu cầu đi lại của người dân các địa phương này tăng cao. Đặc biệt, là các em học sinh đang theo học tại các điểm trường trên địa bàn xã Vĩnh Nhuận.

          Thương cảm cho các cháu học sinh đến trường phải qua chiếc cầu ván cũ chông chênh, anh Sơn đã chủ động đứng ra xin phép chính quyền địa phương, rồi liên hệ với đội xây cầu từ thiện “chú Ba Đạt”, tên gọi thân mật của ông Lê Văn Cư đến để khảo sát, thiết kế, sau đó cũng chính anh đã tự nguyện đóng góp và vận động người thân trong gia đình, các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng cầu Kênh Phèn.

hb2

          Kể về quá trình xây dựng cầu, anh Dương Thanh Sơn cho biết mình và người thân hứa đóng góp 400 triệu đồng nhưng do vụ lúa Đông xuân (2023-2024) bị rầy phấn trắng gây hại, năng xuất không cao, lợi nhuận không nhiều, gần tới ngày khởi công cầu mà tiền không có, đánh liều, anh đem “sổ đỏ” thế chấp ngân hàng để có tiền mua vật liệu; bởi theo người đàn ông này, tiền hôm nay kiếm không được thì hôm khác kiếm chứ “chữ tín” mất đi rồi thì không thể kiếm lại được, mình hứa thì phải thực hiện cho bằng được lời hứa.

hb3

          Ngoài đóng góp trực tiếp, anh Sơn còn đứng ra vận động bà con nhân dân cùng tham gia, người đóng góp tiền, người đóng góp ngày công lao động cùng nhau thực hiện, trong đó phải kể đến gia đình chú Cao Văn Hoàng. Chú Hoàng cho biết, ngày mới về đây lập nghiệp hơn 20 năm trước, đường xá đi lại rất khó khăn. Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, các cấp chính quyền quan tâm làm lộ giao thông thông thông thoáng, bộ mặt địa phương khởi sắc, xanh, sạch đẹp người dân nơi đây rất vui mừng; qua trao đổi của cháu Sơn, tôi thấy việc xây dựng lại cầu Kênh Phèn là thật sự cần thiết, đường đi đã ngon lành rồi, chỉ còn vài cây cầu xuống cấp, cần sửa chữa, xây dựng lại nên khi cháu Sơn đặt vấn đề quyên góp cất cầu là tôi đồng ý liền, chẳng những tui tham gia mà còn vận động nhiều bà con cùng tham gia, chú Cao Văn Hoàng hồ hởi nói.

          Cầu Kênh Phèn khởi công tháng 4 năm 2024, cầu có thiết kế bằng sắt, bắc qua Kênh Làng nối ấp Trung Phú 5 xã Vĩnh Phú với ấp Tân Lợi xã Tân Phú. Chiều dài cầu 42m, chiều ngang mặt 3,8m, trụ cầu bằng Bê tông cốt thép. Kinh phí trên 590.000.000 đồng và hàng trăm ngày công lao động, trong đó gia đình anh Dương Thanh Sơn đóng góp 400.000.000 đồng, gia đình ông Cao Văn Hoàng vận động đóng góp 67.000.000 đồng, phần còn lại do chính quyền địa phương vận động hỗ trợ. Cầu do đội xây cầu từ thiện của “chú Ba Đạt” thiết kế, thi công, tiết kiệm được hơn 1/4 chi phí. Theo chú Ba, tiền của nhà tài trợ thì phải tính toán sao cho tiết kiệm nhất có thể, vừa giúp được nhà tài trợ, vừa giúp được bà con địa phương.

hb4

          Có mặt từ buổi khởi công cho đến khánh thành, anh Nguyễn Văn Thiện cho biết nhà gần điểm xây dựng nên anh cho mượn địa điểm tập kết vật liệu, tranh thủ lo việc đồng án rồi ra phụ giúp đội thi công. Từ việc bẻ sắt, buộc đai đến trộn hồ, lăn sơn, khâu nào tôi cũng làm, tôi nghĩ mình là người địa phương được hưởng lợi từ cây cầu này nên đã tự nguyện tham gia, anh Thiện bộc bạch.

          Sau hơn hai tháng thi công, cầu Kênh Phèn đã hòan thành đưa vào sử dụng trong niềm vui sướng của bà con nhân dân. Từ đây các bậc phụ huynh thêm phần an tâm khi năm học mới bắt đầu con, em họ có thể đến trường trên chiếc câu vững chãi; các phương tiện giao thông, máy móc nông nghiệp, hàng hóa được vận chuyển qua lại thuận tiện, rút ngắn được thời gian, công sức.

          Vượt lên trên lợi ít về kinh tế, chiếc cầu còn thể hiện tinh thần đoàn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, nơi gặp gỡ của các tấm lòng thiện nguyện của nhà tài trợ, của đội thi công cầu, của người dân đang hàng ngày, hàng giờ ra sức lao động, điểm tô cho quê hương giàu đẹp. Ngoài ra, chiếc còn là nhịp cầu gắn kết giữa hai địa phương giáp ranh, Tân Phú, Vĩnh Nhuận huyện Châu Thành với Vĩnh Phú huyện Thoại Sơn.

          Đánh giá về việc làm của anh Dương Thanh Sơn, tại lễ khánh thành cầu Kênh Phèn, ông Phan Ngọc Mẫn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Phú, cho biết không chỉ giúp cho việc đi lại của người dân, nhất là học sinh được thuận lợi, an toàn; nông sản, vật tư được vận chuyển dễ dàng, việc làm của anh Sơn còn đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương.

          Sắp tới anh sẽ tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí để cùng với đội xây dựng cầu của chú Ba Đạt bắc những chiếc cầu lớn hơn, tải trọng nhiều hơn để bắt kịp với đà phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

          Mỗi người có thể lựa chọn cách học tập Bác Hồ, Bác Tôn khác nhau, với anh Dương Thanh Sơn học Bác từ việc làm cụ thể, đó là tài trợ kinh phí xây dựng cầu, người khác thì đóng góp ngày công lao động, tất cả họ gặp nhau ở một điểm chung đó là cùng với Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chăm lo đời sống nhân dân, rất xứng đáng để mọi người học tập, noi theo./.

TC – HM