Điểm sáng về chăm lo đời sống nhân dân
Thấm nhuần quan điểm “lấy dân làm gốc,” Đảng bộ huyện Thoại Sơn luôn đặt lợi ích và nguyện vọng của người dân lên hàng đầu trong mọi chủ trương, chính sách. Đảng bộ luôn lắng nghe và đồng hành cùng Nhân dân, người dân luôn ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Chính sự chung sức, đồng lòng ấy đã góp phần xây dựng một Thoại Sơn ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành niềm tự hào của tất cả người dân gắn bó với mảnh đất này.
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn luôn đoàn kết, nỗ lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.



Quang cảnh Thoại Sơn
Trước đây, nhiều con đường ở Thoại Sơn vẫn còn cảnh đường đất lầy lội, nhỏ hẹp khó di chuyển. Giờ đây, nhìn những con đường nhựa, bê tông trải dài liên ấp, liên xã, liên huyện, những chiếc cầu bê tông vững chắc nối liền đôi bờ, ai cũng phấn khởi, tự hào. Đó là kết quả của sự đoàn kết, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tạo ra sự đột phá về cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, khang trang, sạch đẹp. Với sự chăm lo và đầu tư của Đảng và chính quyền, hiện nay, huyện có 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 144,3 km; và 11 tuyến đường xã dài 42,9 km, đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa. Điển hình một số công trình như: Tuyến đường NTM nối liền ba xã Định Mỹ - Mỹ Phú Đông - An Bình chiều dài hơn 17 km (đoạn từ đường tỉnh 943 – đường tỉnh 947); Tuyến Tây Rạch Giá – Long Xuyên (Thoại Giang – Định Mỹ) có tổng chiều dài 7km, nền đường rộng 6,5m. Đây là những tuyến đường liên xã, huyết mạch kết nối giao thông giữa các xã với các vùng lân cận và là một trong những công trình tạo nên điểm nhấn trên bức tranh xây dựng nông thôn mới nâng cao của địa phương. Đặc biệt, công trình nâng cấp, mở rộng đường vào Khu Di tích đặc biệt Óc Eo – Ba Thê, thuộc Đường tỉnh 943 có tổng chiều dài 14,768 km (bề rộng nền đường 9m đến 10m). Và còn rất nhiều công trình khác đã tạo cho Thoại Sơn có một hệ thống giao thông rất thuận lợi. Nhờ sự phát triển hạ tầng, thu nhập bình quân đầu người của huyện năm 2024 đạt 79 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,58 %; phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025) giảm còn 0,5%. Đây là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng của Bác Hồ: “Dân có giàu thì nước mới mạnh”.
Ông Trương Anh Dũng xã Thoại Giang vui mừng chia sẻ: “Tôi là người kinh doanh, khi đường tỉnh lộ 943 từ xã Thoại Giang đến cầu Mướp Văn, xã Vọng Thê được nâng cấp, mở rộng chúng tôi rất vui mừng vì giúp cho việc giao, nhận hóa dễ dàng, thuận lợi hơn. Tôi nghĩ rằng trong tương lai với sự phát triển đường như thế này, huyện ngày càng phát triển hơn nữa”.
Ông Võ Hữu Đầy xã An Bình chia sẻ: “Những chủ trương của Đảng và chính quyền mình rất hay, đặc biệt trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi rất ủng hộ, phải nói đường giao thông được láng nhựa hết, mở rộng, tuyến đường đi ruộng cũng bê tông, kéo theo là nâng cao đời sống của người dân về mọi mặt”.
Một trong những điểm sáng về chăm lo đời sống của người dân phải kể đến công tác khuyến học, khuyến tài của huyện. Khắc sâu lời Bác dạy “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ…”. Chính vì thế, trong nhiều năm qua, huyện đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc lĩnh vực giáo dục, chăm lo cho thế hệ tương lai của đất nước. Đề án 04 “Đề án xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống Quỹ Khuyến học - khuyến tài trên địa bàn huyện Thoại Sơn” được ban hành, đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhà hảo tâm chăm lo sự nghiệp giáo dục huyện nhà, khơi dậy phong trào học tập rộng khắp… Điển hình, 23 quỹ khuyến học ở các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện, với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại đã đạt 5,2 tỷ đồng. Từ các nguồn quỹ này tạo điều cho các em học sinh nghèo được tiếp bước đến trường và kịp thời động viên, khích lệ các em vượt khó vươn lên trong học tập.

Ra mắt Quỹ KHKT THCS Núi Sập
Cô Trương Thị Mỹ Đẹp hơn 47 năm gắn bó với công tác giáo dục và khuyến học của địa phương, đã chứng kiến bao thâm trầm, thay đổi của quê hương, từ vùng đất thường xuyên lũ lụt, đời sống người dân nghèo khó. Nhờ những chủ trương của Đảng và chính quyền qua từng giai đoạn về nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới… để ngày hôm nay vươn lên đạt nhiều thành tựu đáng tự hào.
Cô Đẹp chia sẻ:“Từ khi có quỹ khuyến học, khuyến tài chăm lo cho học sinh, khen thưởng giáo viên, việc học tập của các em có tiến bộ rõ rệt, khích lệ tinh thần học tập của học sinh, giảng dạy của giáo viên hơn… vì vậy tỉ lệ học sinh bỏ học vì nghèo cũng giảm đi đáng kể, sự phát triển giáo dục bền vững hơn”.
Em Nguyễn Hồng Quân – cựu học sinh trường THPT Nguyễn Văn Thoại chia sẻ: “Trong thời gian qua, quỹ học bổng đã giúp em và các bạn có hoàn cảnh khó khăn được bước tiếp trên con đường tri thức. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để món quà này trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Mong rằng quỹ học bổng sẽ được duy trì bền vững để hỗ trợ nhiều hơn những bạn học sinh đang ngày đêm nỗ lực trên con đường học tập”.
Hiện trên địa bàn huyện có 52/67 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 77,61%. Trường học có diện mạo mới, khang trang, xanh, sạch, đẹp, trang bị đầy đủ phòng chức năng, thiết bị phục vụ dạy và học. Tạo môi trường học tập an toàn, thân thiện giúp các em thích thú hơn trong học tập. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2024 huyện Thoại Sơn đứng thứ 2 toàn tỉnh với tỷ lệ 99,72%.
Một trong những điểm nổi bật của huyện trong chăm lo công tác an sinh xã hội là việc thành lập được Quỹ Nghĩa tình đồng đội, Quỹ Hưu trí, Quỹ Ân sư, Quỹ Hỗ trợ cán bộ từ trần, Quỹ Vì người nghèo…với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng. Từ đó, những ngôi nhà tình thương, nhà đại đoàn kết được xây lên đã tạo điều kiện cho các gia đình vươn lên trong cuộc sống. Từ năm 2020 – 2023 đã cất mới và sửa chữa 692 vượt kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025. Năm 2024 xây dựng mới 178 căn, sửa chữa 31 căn nhà ĐĐK.
Ông Nguyễn Văn Xem xã Vĩnh Phú nói: “Vợ mất, tôi bị tai biến mất sức lao động, con cái làm ăn xa cũng khó khăn, được địa phương cho căn nhà, ước mơ có căn nhà khang trang đã thành sự thất tôi mừng không ngủ được”.


Chăm lo đời sống người dân luôn bắt đầu từ những việc thiết thực dù lớn hay nhỏ và từ sự tận tâm của cán bộ, từ tinh thần đoàn kết của toàn dân. Nhìn lại chặng đường đã qua, Thoại Sơn có thể tự hào rằng sự phát triển của quê hương hôm nay đều in dấu việc học và làm theo tư tưởng của Bác Hồ, Bác Tôn “Tất cả đều vì lợi ích của dân…”
Với khát vọng, quyết tâm xây dựng Thoại Sơn phát triển toàn diện, Đảng bộ và nhân dân sẽ tiếp tục phát huy tinh thần học tập và làm theo Bác Hồ, Bác Tôn, không ngừng nỗ lực để nâng cao đời sống người dân, xây dựng quê hương ngày một đổi mới.
Kim Cương