Kênh Thoại Hà - tầm nhìn chiến lược của danh thần Thoại Ngọc Hầu
Kênh Thoại Hà thuộc loại kênh đào sớm nhất ở miền Nam, có vị trí quan trọng trong giao thông vận tải đường sông, phát triển nông nghiệp, hình thành thôn làng, dân cư...
Kênh Thoại Hà xưa và nay
Kênh Thoại Hà là công trình mang tầm vóc chiến lược quan trọng trong lịch sử khai phá ĐBSCL, có vị trí rất quan trọng trong giao thông vận tải đường sông và phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, bảo đảm an ninh quốc phòng của huyện Thoại Sơn nói riêng và của toàn vùng nói chung.
Trong Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca (1909) của Nguyễn Liên Phong, có đoạn thơ nói về con kênh này, như sau: “Đời Gia Long thập thất niên/ Ông Bảo hộ Thoại phụng truyền chỉ sai/ Đào kênh Lạc Dục rất dài/ Ngang qua núi Sập trong ngoài giao thông/ Rồi vừa một tháng nhơn công/ Giáp vô Rạch Giá thương nông đều nhờ”.
“Trong tương lai, dù cho Thoại Sơn sẽ phát triển thành đô thị thì kênh Thoại Hà vẫn không giảm đi vị trí, vai trò và tầm quan trọng vốn có. Thậm chí giá trị của con kênh còn tăng lên theo thời gian cùng với sự phát triển của địa phương. Tầm nhìn chiến lược của Thoại Ngọc Hầu đã giúp cho các thế hệ lãnh đạo của Thoại Sơn về sau kế thừa, lập kế hoạch và cho đào (bằng sức người và cơ giới) những hệ thống kênh mương, đưa nước vào đồng ruộng, biến vùng đất sản xuất chủ yếu là lúa 1 vụ sang 2 vụ (1988 - 1990), rồi 3 vụ (những năm 2000) để Thoại Sơn trở thành vựa lúa lớn của tỉnh.
Điều này không chỉ giải quyết lương thực cho người dân, mà còn cung cấp cho xuất khẩu và góp phần bảo đảm an ninh lương thực của cả nước. Vì thế, kênh Thoại Hà vẫn luôn chở nặng phù sa cung cấp cho đồng ruộng ở Thoại Sơn và cho đời sống dân sinh” - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thoại Sơn Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Sức sống mới bên dòng kênh Thoại Hà
Sau ngày giải phóng thống nhất đất nước, đặc biệt là qua 45 năm kể từ ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23/8/1979 - 23/8/2024), mặc dù Thoại Sơn là huyện có xuất phát điểm thấp, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh và được xem là một trong những huyện nghèo, khó khăn của tỉnh An Giang.
Nhưng với quyết tâm chính trị, trên tinh thần tiến công cách mạng, kế thừa truyền thống khẩn hoang mở cõi của tiền nhân và các thế hệ cha anh đi trước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thoại Sơn qua các thời kỳ, đã đoàn kết, nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, để tìm “lối đi" cho riêng mình.
Thoại Sơn ngày nay đã trở thành một điểm sáng của tỉnh An Giang, là lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đạt chuẩn huyện NTM năm 2018 và đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2023, vượt trước lộ trình đề ra.
Huyện Thoại Sơn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 38.000ha với trên 15.000 hộ tham gia sản xuất. Dân cư sinh sống tập trung theo trục lộ giao thông và các cụm tuyến dân cư; phần lớn sống bằng nghề nông, một bộ phận sống tập trung tại các chợ hành nghề buôn bán, kinh doanh dịch vụ, một bộ phận khác tham gia vào lực lượng lao động tại các cụm công nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài huyện.
Với trên 70% dân số sống bằng nghề nông và tập trung ở nông thôn, phong trào nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ngày càng mở rộng về ngành nghề, đời sống tinh thần của nông dân được cải thiện. Giai đoạn 2019 - 2022, địa phương có 4.478/4.400 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Là nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên vùng đất Thoại Sơn, ông Nguyễn Quốc Hùng (ngụ xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn) nhận định, nhờ có kênh Thoại Hà dẫn nước rửa phèn, nông dân làm lúa tăng từ 1 vụ lên 2 vụ, rồi 3 vụ như ngày nay, năng suất tăng cao hơn rất nhiều.
Không chỉ áp dụng khoa học - kỹ thuật trên đồng ruộng của mình, ông Hùng còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Cụ thể, ông Hùng đã chuyển đổi 5,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh, thu hoạch năng suất bình quân khoảng 80 tấn/năm.
Quá trình trồng trọt, gia đình ông Hùng áp dụng quy trình canh tác theo hướng VietGAP, ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ; thuốc bảo vệ thực vật phải là chế phẩm sinh học, thuốc nằm trong danh mục cho phép của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, sử dụng điện năng lượng mặt trời kết hợp “Ứng dụng công nghệ tưới phun kết hợp bón phân cho vườn bưởi da xanh bằng thiết bị điều khiển từ xa qua điện thoại di động phục vụ tưới tiêu, phun thuốc”.
Nhờ việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, ông Hùng đã giảm được đáng kể chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện, bưởi da xanh “Hùng Hạnh” đã được công nhận đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) 3 sao với tỷ lệ thu hoạch trung bình từ 50 - 60 tấn bưởi, giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, hàng năm gia đình thu về khoảng 1 tỷ đồng.
Kênh Thoại Hà không chỉ là chứng cứ lịch sử cho sự có mặt của người Việt đến khai mở vùng đất phương Nam, mà còn là yếu tố quan trọng, giúp huyện Thoại Sơn hình thành, phát triển như hôm nay.
Trang Phong – Sưu tầm
Nguồn: Báo An Giang Online