Lễ hội văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn nét đẹp văn hóa tri ân tiền nhân
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn, một sự kiện văn hóa đặc sắc diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với danh thần Thoại Ngọc Hầu, người có công khai phá và xây dựng vùng đất Thoại Sơn, An Giang. Lễ hội không chỉ là dịp để tưởng nhớ vị tiền nhân, mà còn là cơ hội để quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn được huyện Thoại Sơn tổ chức vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm nhằm tri ân công đức của danh thần Thoại Ngọc Hầu và các bậc tiền nhân đã có công khai mở vùng đất Thoại Sơn của tỉnh An Giang. Đây còn là dịp tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn trong quá trình xây dựng, phát triển. Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn trùng với ngày Giỗ Tổ Hùng Vương nên rất đông những người con của vùng đất Thoại Sơn và du khách thập phương về dự Lễ Kỳ Yên kỷ niệm Danh thần Thoại Ngọc Hầu dựng bia, lập làng Thoại Sơn (1822 - 2025).

Danh thần Thoại Ngọc Hầu (tên thật Nguyễn Văn Thoại), người mà tên tuổi đã gắn liền với cư dân vùng đất Nam Bộ, đặc biệt là trên vùng đất Thoại Sơn; người đã “thay trời mở đất mênh mông”. Công đào kênh Thoại Hà và dựng bia, lập làng Thoại Sơn của Danh thần Thoại Ngọc Hầu trải qua hơn 200 năm vẫn còn nguyên giá trị. Tưởng nhớ đến công lao to lớn của Ông Thoại, nhân dân huyện Thoại Sơn lập đình thờ ông là thần Thành hoàng bổn cảnh, tại thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.

Ông Đỗ Văn Sang – Phó Ban Quý tế Đình thần Thoại Ngọc Hầu nói: “Người dân về đây, cúng đình trong 3 ngày từ 4000 đến 5000 người đến dâng hương và lễ cúng, người dân lúc nào cũng nhớ công ơn của ông, công lao của ông đã có công đào kênh từ Long Xuyên – Rạch Giá và kênh Vĩnh Tế từ Châu Đốc về Hà Tiên. Bắt đầu từ 6 giờ sáng ngày mùng 10.3 âm lịch ( nhằm 7/4/2025) chúng tôi tổ chức Lễ tuần sắc (thỉnh sắc Thần) từ đình đến Quảng Trường Thoại Ngọc Hầu, đến 12 giờ trưa chúng tội làm Lễ cúng Thần Nông đây là lễ cầu cho dân làng, mùa màng tốt tươi, thành đạt”.

Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức Lễ hội Văn hóa truyền thống nhằm phục vụ bà con nhân dân. Lễ Kỳ Yên với đầy đủ các nghi thức: Túc yết, xây chầu, đại bội, chương trình sân khấu hóa và dâng hương. Cùng với các hoạt động văn hóa, thể thao trước, trong và sau lễ hội; hội thi tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp thân thế của danh thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, còn diễn ra các giải thi đấu thể thao ở các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng, điểm sinh hoạt văn hóa - thể thao của các xã, thị trấn và tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thanh huyện Thoại Sơn; hoạt động giới thiệu, quảng bá du lịch Thoại Sơn, tuyên truyền xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...

Ông Trần Hữu Huệ - Người dân thị trấn Núi Sập phấn khởi chia sẽ: “sinh ra và lớn lên tại thị trấn núi Sập thì hàng năm tôi và gia đình, cũng như bà con ở địa phương tới dâng hương chiêm bái trong các ngày diễn ra Lễ hội. Lễ hội kỳ yên ở đình thần Thoại Ngọc Hầu được diễn ra trong các ngày mùng 10.3 âm lịch đến hết ngày 12.3 âm lịch, chúng tôi cuầ mong làm ăn được thuận lợi, riêng về mặt nông dân như tôi thì mong rằng lúa trúng rồi được giá để bà con nông dân như tôi được đời sống khấm khá hơn. Tôi thấy rằng hàng năm Lễ hội ở đây dược tổ chức người dân trở về dự lễ rất là đông tạo nên không khí rất nhộn nhịp, vui tươi.”
Lễ hội Văn hóa truyền thống huyện Thoại Sơn không chỉ là dịp để người dân địa phương gắn kết, tăng cường tinh thần đoàn kết cộng đồng, mà còn là cơ hội để du khách thập phương khám phá những giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất này. Với những ý nghĩa sâu sắc đó, lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân Thoại Sơn, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của vùng đất An Giang./.
Ngô Quyền