Nâng cao vai trò Hợp tác xã nông nghiệp trong cơ chế phối hợp liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại An Giang và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long
Sau hơn 01 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và sau 05 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 05/7/2018 của Chính phủ về “Chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” và Quyết định số 30/2019/QĐ-UBND, ngày 22/7/2019 của UBND tỉnh An Giang ban hành “Quy định thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh”. Trong thời gian qua, việc liên kết giữa nông hộ (NH) – hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) – doanh nghiệp (DN) trong liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển mạnh trong những năm gần đây và đã đem lại hiệu quả thiết thực cho Nhân dân, góp phần thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh và vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, việc triển khai liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa NH – HTXNN – DN ở tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung vẫn còn nhiều bất cập, lõng lẽo, quy mô nhỏ và chưa tương xứng với tiềm năng của các bên tham gia chuỗi liên kết này. Thực trạng này cho thấy vị trí, vai trò, năng lực hoạt động, nguồn lực, uy tín của các bên tham gia mang tính “cốt lõi, quyết định”. Đặc biệt, vai trò, năng lực của HTXNN có “vị trí đặc biệt quan trọng”, quyết định trong việc “tổ chức sản xuất” để góp phần thực hiện có hiệu quả liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ bền vững của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL trong thời gian qua và những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, tính đến 9/2023, trong toàn tỉnh An Giang hiện có 286 hợp tác xã (HTX), liên hiệp hợp tác xã (LHHTX) đang hoạt động trên 06 lĩnh vực: (i) HTX, LHHTX nông nghiệp, thủy sản: 217 (215 HTX, 02 LHHTX, có 19.021 thành viên; tổng số vốn hơn 42,9 tỷ đồng; tổng tài sản hơn 62,2 tỷ đồng; tổng số lao động thường xuyên 2.534 người; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động của HTX, LHHTX 63 triệu đồng/người/năm; doanh thu bình quân của HTX, LHHTX 5,7 tỷ đồng/năm; lãi bình quân HTX, LHHTX 998 triệu đồng/năm); (ii) HTX vận tải: 28 HTX; (iii) HTX tiểu thủ công nghiệp: 05 HTX; (iv) HTX thương mại, dịch vụ, du lịch: 11 HTX; (v) HTX tài nguyên và môi trường: 01 HTX; (vi) Quỹ tín dụng nhân dân: 24 quỹ. Trong 286 HTX, LHHTX nêu trên, có tổng số vốn điều lệ 3.664 tỷ đồng, tổng số tài sản 5.234 tỷ đồng; tổng doanh thu bình quân 278,4 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân 22,62 tỷ đồng; thu nhập bình quân của thành viên, người lao động trong HTX, LHHTX là 4,5-5,2 triệu đồng/người/tháng.
An Giang là một trong mười ba (13) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng ĐBSCL. Vùng ĐBSCL có vị thế rất quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và trong giao thương với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tiểu vùng sông Mê Kông. Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2022, vùng ĐBSCL có tổng diện tích 40.577,6 km², chiếm 12,8% diện tích cả nước và có tổng dân số là 17.744.947 người, chiếm 17,9% dân số cả nước. Vùng ĐBSCL có 150 đơn vị hành chính cấp huyện, hơn 1.000 đơn vị hành chính cấp xã và gần 10 triệu hộ nông dân; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 56,02 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,8%. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã giúp cơ cấu kinh tế của vùng ĐBSCL chuyển dịch theo hướng tích cực hơn, giúp giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ. Bên cạnh đó, vùng ĐBSCL là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước; đóng góp 31,4% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Song song đó, vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng về dầu khí, năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng thủy triều) và là khu vực có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, nhiều vườn cây, rừng cây rộng lớn với 04 Khu dự trữ sinh quyển, Vườn Quốc gia, Khu bảo tồn tự nhiên được công nhận là Khu Ramsar của thế giới. Đồng thời, ĐBSCL còn là Vùng có vị trí chiến lược về quốc phòng – an ninh, với đường biên giới đất liền phía Tây Nam, có hơn 700km bờ biển (chiếm 23% chiều dài bờ biển cả nước), có 367.000km2 vùng biển và vùng đặc quyền kinh tế, giàu tiềm năng về tài nguyên và năng lượng tái tạo. Vùng ĐBSCL có vị trí địa kinh tế và địa chiến lược quan trọng, do nằm trên tuyến hàng hải của trung tâm khu vực ASEAN, là cửa ngõ kết nối của các hành lang kinh tế tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Với tiềm năng to lớn và lợi thế của mình, vùng ĐBSCL hội đủ những yếu tố cần thiết để trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm của khu vực và cả nước.
Trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh của các HTXNN, khi nhận thấy được tầm quan trọng của việc liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nên ngày càng có nhiều HTXNN tham gia liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông thuỷ sản. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang và Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, giai đoạn từ 2016-2020, đã có 93 HTX tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị lúa gạo với 166 doanh nghiệp, cụ thể: (1) Năm 2016, có 22 doanh nghiệp tham gia với diện tích 43.210 ha (chiếm 6,5% tổng diện tích trồng lúa với sản lượng 262.717 tấn); (2) Năm 2017, có 50 doanh nghiệp liên kết với diện tích 33.531 ha (chiếm 5,2% tổng diện tích trồng lúa với sản lượng 203.533 tấn); (3) Năm 2018, có 30 doanh nghiệp tham gia với diện tích 30.333 ha (chiếm 4,9% tổng diện tích trồng lúa với sản lượng 189.278 tấn); (4) Năm 2019 có 42 doanh nghiệp liên kết với diện tích 31.190 ha (chiếm 5,0% tổng diện tích trồng lúa); (5) Năm 2020, có 22 doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết, tiêu thụ với diện tích là 43.210 ha (chiếm 6,5% tổng diện tích trồng lúa). Trong thời gian qua, UBND tỉnh An Giang và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã ký Chương trình thỏa thuận hợp tác về sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện cho các HTXNN mới được thành lập theo Chương trình này có liên kết với Công ty để tham gia sản xuất lúa gạo vụ Đông Xuân 2021-2022 với diện tích 32.000 ha và cuối năm 2022 đạt 49.200 ha. Thông qua việc liên kết này đã xây dựng được các mô hình điểm về liên kết, sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giữa HTXNN với doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn với HTXNN An Bình tại huyện Thoại Sơn; Công ty TNHH MTV Lương thực Vĩnh Bình với HTXNN Vĩnh Bình, huyện Châu Thành; Công ty Angimex-Kitoku với nông dân và các tổ hợp tác tại TP. Long Xuyên và huyện Thoại Sơn trong tiêu thụ lúa Nhật; Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương với nông dân tại xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên. Bên cạnh đó, HTXNN Long Bình, huyện An Phú liên kết với Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu để tiêu thụ xoài và xuất khẩu xoài vào các thị trường Hoa Kỳ, Úc và Hàn Quốc. Đặc biệt, mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với phát triển HTXNN kiểu mới do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện (Công ty). Hàng năm, Công ty liên kết sản xuất với các HTXNN bình quân khoảng 500-1.000 ha và từ năm 2020 đến nay, Công ty đã thành lập 37 HTXNN kiểu mới, 02 Liên hiệp HTXNN theo “Thỏa thuận hợp tác 04 bên đến năm 2030” (giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, Hội Nông dân An Giang, Liên minh Hợp tác xã An Giang và Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời sẽ thành lập 90 HTXNN kiểu mới). Bên cạnh đó, các Công ty sẽ cử cán bộ tham gia điều hành HTXNN (Giám đốc, Phó Giám đốc), hướng dẫn nông dân quy trình canh tác, sản xuất, thực hiện các dịch vụ sản xuất và tiêu thụ để liên kết với Công ty. Như vậy, thông qua việc liên kết này, các HTXNN sẽ được phát huy hiệu quả tích cực về quy trình canh tác, kỹ thuật canh tác, giúp tăng lợi nhuận, giúp HTXNN nâng cao vị trí, vai trò, năng lực khi áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến theo tiêu chuẩn Việt Nam (VietGAP) và tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, SRP), theo quy trình quản lý chất lượng đồng bộ để góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc xây dựng nông thôn mới của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL đã đề ra.
Thực trạng hoạt động của các HTXNN trong thời gian qua cho thấy, các HTXNN của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL hiện nay hoạt động sản xuất, kinh doanh phần lớn ở các lĩnh vực như: dịch vụ bơm tưới, bơm tiêu, cung ứng giống (cây trồng, vật nuôi), vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), dịch vụ thu hoạch và sau thu hoạch (cắt, phơi, sấy nông sản, vận chuyển đến kho chứa của doanh nghiệp). Việc HTXNN liên kết với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản chủ yếu là liên kết cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu sản phẩm đầu ra như HTXNN đứng ra liên kết với các hộ sản xuất (nông hộ) để thu mua nông sản sau đó bán lại cho các doanh nghiệp để chế biến thành phẩm, tiêu thụ ra thị trường trong nước và quốc tế chứ ít có HTXNN nào độc lập thực hiện được “một quy trình chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất, chế biến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm” để nhằm gia tăng giá trị cho HTXNN. Do đó, vị trí, vai trò, năng lực của HTXNN rất mờ nhạt trong quá trình tham gia chuỗi giá trị ngành hàng nông thuỷ sản của tỉnh An Giang, vùng ĐBSCL và tỷ lệ giá trị gia tăng của sản phẩm do HTXNN làm ra không được hưởng lợi trọn vẹn, không tương xứng với nguồn lực của HTXNN đã đầu tư.
Thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, khi thực hiện tốt liên kết giữa NH – HTXNN – DN trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thực hiện “đồng bộ, xuyên suốt”, vì lợi ích của các bên tham gia sẽ mang lại hiệu quả và niềm tin cho nhau, góp phần thực hiện tốt “cơ chế phối hợp” liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại An Giang và vùng ĐBSCL được thể hiện qua các lợi ích sau đây:
Thứ nhất, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ góp phần giải quyết khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo cho thành viên HTXNN và nông hộ (nông dân).
Thứ hai, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp tạo được vùng nguyên liệu với diện tích lớn, đồng bộ, ổn định.
Thứ ba, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập do HTXNN được ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, áp dụng cơ giới hoá trong các khâu sản xuất, chế biến giúp tiếm kiệm công lao động và gia tăng năng suất trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Thứ tư, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có ý thức quan tâm đến việc tham gia liên kết chuỗi giá trị với HTXNN, góp phần xây dựng và phát triển HTXNN kiểu mới, để tổ chức lại sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu lớn, đồng bộ, ổn định thông qua HTXNN.
Thứ năm, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp HTXNN thụ hưởng được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp khi tham gia liên kết với doanh nghiệp.
Thứ sáu, liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sẽ giúp HTXNN tạo việc làm ổn định cho thành viên, cho lao động nhàn rỗi tại nông thôn và duy trì bản chất hoạt động của HTX là “vì thành viên”.
Bên cạnh đó, trong Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Chính phủ, tỉnh An Giang, vùng ĐBSCL thì sản phẩm lúa gạo là một trong những ngành hàng “chủ lực” trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Do đó, khi NH – HTXNN – DN tham gia liên kết (chuỗi giá trị) sẽ làm gia tăng giá trị, tạo ra sức cạnh tranh, tạo cơ hội việc làm cho thành viên HTXNN, nông hộ (nông dân) và lao động nhàn rỗi tại nông thôn. Thông qua mối liên kết này, các bên tham gia sẽ chủ động trong kế hoạch sản xuất, chế biến, quảng bá, kinh doanh, thời gian thu hoạch, chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên do thu hoạch đồng loạt, đúng thời điểm vụ mùa, thời gian tạm trữ sau thu hoạch được rút ngắn, giúp tăng lợi nhuận và hạn chế được những rủi ro tiềm ẩn trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong liên kết giữa NH – HTXNN – DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang và vùng ĐBSCL trong thời gian qua cho thấy “vị trí, vai trò, năng lực của HTXNN rất quan trọng” trong việc thực hiện hiệu quả chuỗi liên kết này nhất là “vai trò tổ chức lại sản xuất” trong quá trình tham gia chuỗi giá trị, HTXNN vẫn còn những “tồn tại, hạn chế” trong quá trình hoạt động như sau:
Một là, về số lượng, quy mô và lĩnh vực hoạt động HTXNN
HTXNN tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng hoạt động chưa cao, chưa tưng xứng với tiềm năng, đa số HTXNN có quy mô nhỏ, hoạt động sản xuất, kinh doanh đơn dịch vụ (như bơm tưới, bơm tiêu, cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, thu hoạch, sơ chế nông sản), HTXNN luôn phải đối mặt với những khó khăn như: Giá cả thị trường luôn biến động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh phức tạp (nhất là dịch bệnh COVID-19 trong những năm vừa qua) đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các HTXNN.
Hai là, về tuyên truyền thi hành Luật Hợp tác xã
Việc tuyên truyền thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 (hết hiệu lực thi hành từ 01/7/2024) và Luật Hợp tác xã năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ 01/7/2024) từ HTXNN đến thành viên, nông hộ chưa được thông suốt, còn gặp khó khăn, vướng mắc do sự nhận thức chưa đầy đủ về Luật Hợp tác xã; vai trò của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTXNN, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên trong việc hỗ trợ các thành viên, nông hộ tiếp cận nguồn vốn vay, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế còn hạn chế và việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh của các HTXNN còn nhiều hạn chế, bất cập.
Ba là, về nguồn lực hỗ trợ cho HTXNN
Nguồn kinh phí của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ lĩnh vực HTX để hỗ trợ phát triển HTXNN còn hạn chế; số lượng HTXNN được tiếp cận các chính sách hỗ trợ chưa nhiều; việc tiếp cận các nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương, địa phương và nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng cho các HTXNN còn hạn chế. Nhiều HTXNN có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất làm việc còn gặp khó khăn (rất nhiều HTXNN chưa có trụ sở làm việc, thiếu vốn sản xuất, kinh doanh); chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật của HTXNN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của HTXNN; chế độ thu hút, đãi ngộ, tiền lương chưa tưng xứng nên không thu hút được người có trình độ cao, người giỏi, người có năng lực về làm việc và cống hiến lâu dài cho HTXNN.
Bốn là, về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho HTXNN
Công tác đào tạo, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ quản lý, kỹ thuật (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên), Kế toán của HTXNN chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác tài chính, kế toán của HTXNN chưa được thực hiện nghiêm túc; chưa thực hiện kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập hằng năm để “tăng sự minh bạch và niềm tin của thành viên” đối với HTXNN; việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hằng năm của HTXNN chưa khả thi, báo cáo tài chính hằng năm của HTXNN chưa được quan tâm đúng mức, chưa minh bạch nên làm “mất niềm tin của thành viên” đối với HTXNN khi họ tham gia, hợp tác.
Năm là, về ý thức chấp hành pháp luật của HTXNN
Một số HTXNN sau khi được thành lập thì không đăng ký kinh doanh hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng hoạt động hình thức, cầm chừng, thụ động và một số HTXNN hoạt động về quản lý, sản xuất, kinh doanh chưa đúng những quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 và chưa đúng bản chất của HTX.
Sáu là, về liên kết hoạt động giữa các HTXNN
Chưa có sự liên kết, hợp tác giữa các HTXNN cùng ngành nghề với nhau, nếu có liên kết thì chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp. Nhiều HTXNN có cơ sở vật chất nghèo nàn, khó khăn về vốn sản xuất, trình độ công nghệ lạc hậu; năng lực, trình độ cán bộ quản lý, điều hành còn hạn chế (do số cán bộ này phần lớn xuất thân từ nông dân, lớn tuổi, trình độ thấp, kiến thức về quản lý còn hạn chế); kỹ năng về quản trị, tài chính, kế toán yếu kém và không đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của HTX trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Qua phân tích thực trạng, tồn tại, hạn chế nêu trên, để nâng cao vị trí, vai trò HTXNN trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa NH – HTXNN – DN nhằm mục đích góp phần thực hiện tốt “cơ chế phối hợp trong việc liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại An Giang và vùng ĐBSCL bền vững” trong giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo, thiết nghĩ cần quan tâm và thực hiện “đồng bộ, toàn diện, quyết liệt” các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp về bản chất, vị trí, vai trò, cơ chế hoạt động của HTXNN trong nền kinh tế quốc gia khi góp phần vào phát triển kinh tế chung của đất nước. Vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân, thanh niên nông thôn tham gia khởi nghiệp theo mô hình HTX. Các HTX cần được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, tiếp tục chọn lọc và nhân rộng các mô hình HTXNN kiểu mới có tham gia liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước và xuất khẩu.
Thứ hai, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách, hỗ trợ, ưu đãi thông qua các chương trình, đề án, dự án nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX phát triển. Xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển HTXNN giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở rà soát, bổ sung, sửa đổi nội dung các văn bản luật, nghị định, thông tư, quyết định hiện hành còn bất cập, chồng chéo để phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao. Tiếp tục quan tâm công tác củng cố, hợp nhất, nâng chất các HTXNN hiện có, hỗ trợ các HTXNN trong việc xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hằng năm theo hướng tiếp cận nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả hoạt động của HTXNN với nhiều ngành nghề, dịch vụ khác nhau; chú trọng công tác kết nạp thành viên theo hướng chất lượng; khuyến khích thành viên HTXNN sử dụng sản phẩm, dịch vụ của HTXNN nhiều hơn; hỗ trợ HTXNN xây dựng kế hoạch dài hạn để chủ động tham gia liên kết với nông hộ (nông dân), doanh nghiệp trong thực hiện chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá.
Thứ ba, tăng cường và nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác quản lý HTXNN (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên) các kiến thức, kỹ năng về quản trị, điều hành, kế toán, kiểm toán, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đàm phán hợp đồng kinh tế. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với HTXNN và gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong việc hỗ trợ phát triển HTXNN gắn với chuỗi giá trị hàng hoá; cần xây dựng kế hoạch dài hạn, khả thi về xử lý các HTXNN không hoạt động, hoạt động hình thức, hoạt động kém hiệu quả; tiếp tục công tác rà soát, phân loại, đánh giá hiệu quả hoạt động của các HTXNN để làm cơ sở sáp nhập, hợp nhất các HTXNN có quy mô nhỏ, hoạt động đơn dịch vụ thành HTXNN, Liên hiệp HTXNN, Liên đoàn HTXNN quy mô lớn để hoạt động đa dịch vụ, đa ngành nghề và phạm vi hoạt động liên tỉnh trong vùng ĐBSCL.
Thứ tư, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh và vùng ĐBSCL để thống nhất chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về HTX; có cơ chế lồng ghép các chương trình, đề án, dự án trong nước và quốc tế về lĩnh vực HTX để tận dụng nguồn lực (con người, kinh phí) khi HTXNN tham gia chuỗi giá trị hàng hóa với doanh nghiệp; chọn lọc các mô hình HTXNN hiệu quả để nhân rộng và tạo sức lan tỏa; có chính sách ưu tiên, hỗ trợ, khuyến khích HTXNN mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh để tham gia tích cực, có hiệu quả vào chuỗi giá trị hàng hoá nông thuỷ sản với doanh nghiệp.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTXNN; tiếp tục rà soát, thay đổi chính sách về đào tạo và thu hút người có trình độ, người giỏi về công tác tại HTXNN lâu dài; tiếp tục thực hiện chính sách đưa cán bộ trẻ, cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTXNN; có chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho HTXNN gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, vùng ĐBSCL; cần thành lập Liên hiệp HTXNN, Liên đoàn HTXNN để làm đầu kéo cho HTXNN, LHHTXNN thành viên nhằm tăng quy mô, mở rộng phạm vi hoạt động, phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hoá với doanh nghiệp.
Thứ sáu, cần làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên khi tham gia chuỗi giá trị (NH – HTXNN – DN), cụ thể: (1) Về phía nông hộ (nông dân) phải tuân thủ quy trình, kỹ thuật canh tác để đảm bảo về sản lượng, chất lượng sản phẩm trong Hợp đồng đã quy định và cam kết bán sản phẩm nông nghiệp cho doanh nghiệp sau khi thu hoạch; (2) Về phía HTXNN thực hiện khâu tổ chức sản xuất, làm đầu mối trong việc cung ứng sản phẩm đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ bơm tưới, bơm tiêu,…) và lo đầu ra cho nông hộ sau khi thu hoạch; (3) Về phía doanh nghiệp phải cam kết thu mua hết sản lượng hàng hóa mà HTXNN đã thu hoạch theo giá được thoả thuận trong Hợp đồng hoặc giá thị trường tại thời điểm giao dịch trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau và tuân thủ nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
Thứ bảy, tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, hỗ trợ, đào tạo của hệ thống Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong vùng ĐBSCL trong việc phát triển HTXNN tham gia chuỗi giá trị với doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý Nhà nước về HTX cần có những chính sách để HTXNN tiếp cận các nguồn vốn của các tổ chức tính dụng (Ngân hàng thương mại, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Quỹ tín dụng nhân dân); phân bổ thêm nguồn lực tài chính cho hệ thống Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để thực hiện nhiệm vụ tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và năng lực cho cán bộ quản lý chủ chốt của HTX (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên); có chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi xây dựng, triển khai các đề án, dự án phát triển vùng nguyên liệu và mô hình liên kết tiêu thụ, phát triển chuỗi giá trị lúa gạo bền vững khi liên kết với HTXNN theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan.
Thứ tám, theo dõi, cập nhật quá trình hoạt động của các HTXNN và thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những mô hình HTXNN tham gia liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ với doanh nghiệp hiệu quả, uy tín để kịp thời biểu dương, khích lệ, khen thưởng các HTXNN này nhằm tạo niềm tin, động lực phấn đấu cho các HTXNN khác mạnh dạn tham gia liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ với doanh nghiệp trong giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo.
Thứ chín, cần khẩn trương xin chủ trương, lập quy hoạch và thực hiện quy hoạch, xây dựng “Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt tại thành phố Cần Thơ” trong thời gian tới. Trung tâm này phải là đầu mối, thực hiện những dịch vụ mà các tỉnh, thành khác trong vùng ĐBSCL không có hoặc không thể làm được như hệ thống kho lạnh lớn, hiện đại, khép kín quy trình tiêu thụ nông sản; dịch vụ logistics đường biển, đường hàng không để đáp ứng sự đa dạng về nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.
Thứ mười, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cần quan tâm, chú trọng công tác “đào tạo, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực” cho các lĩnh vực về liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, “đặc biệt” cần quan tâm đào tạo nhân lực về lĩnh vực “logistics, thuế, hải quan”. Riêng thành phố Cần Thơ – Trung tâm của vùng ĐBSCL cần có cơ chế ưu đãi về tài chính, đất đai đủ mạnh đề kêu gọi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp, HTXNN, LHHTX, Liên đoàn HTX vào hoạt động ở Trung tâm khi được hình thành và đi vào hoạt động trong tương lai.
TÓM LẠI: Muốn nâng cao vai trò HTXNN trong cơ chế phối hợp liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại An Giang và vùng ĐBSCL cần có sự liên kết chặt chẽ, bền vững, chia sẽ rủi ro và vì lợi ích giữa các bên tham gia (NH – HTXNN – DN). Bên cạnh đó, khi thực hiện “đồng bộ, toàn diện, quyết liệt” các giải pháp nêu trên sẽ thúc đẩy, nâng cao năng lực, vị thế, vai trò của HTXNN trong thực hiện cơ chế phối hợp liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL trong hiện tại và những năm tiếp theo nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tiến sĩ Đào Thanh Hoàng
Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật An Giang