Phát triển các loại hình kinh doanh mới trong dịch vụ thương mại, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay
Trong những năm qua, hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh An Giang phát triển tương đối đồng bộ, các cửa hàng tiện ích, siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) hiện đại phát triển đan xen với chợ truyền thống, thuận lợi phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 02 trung tâm thương mại, 07 siêu thị (trong đó có 01 siêu thị chuyên doanh), 72 cửa hàng tiện lợi và 203 chợ truyền thống trong đó: 08 chợ hạng II, 195 chợ hạng III. Ưu điểm của chợ truyền thống là thuận lợi cho việc trực tiếp mua bán, trao đổi hàng hóa, tuy nhiên khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra thì việc hạn chế tập trung đông người dẫn đến việc mua bán tại chợ chậm lại.
Để việc kinh doanh phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay, các siêu thị, TTTM, cửa hàng tiện ích và một số hộ tiểu thương ngoài việc bán hàng theo phương thức truyền thống thì đẩy mạnh hoạt động bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với nhiều phương thức bán hàng khác nhau như bán hàng trực tuyến, mua sắm online, giao hàng tận nơi, thanh toán không dùng tiền mặt,…sản phẩm, hàng hóa vẫn đảm bảo rất phong phú.
Việc phát triển thương mại điện tử là một xu thế tất yếu không những ở Việt Nam mà còn trên thế giới, đây là kênh mua bán rất quan trọng trong quá trình phát triển, bởi những tính ưu việt của nó như ít tốn thời gian, công sức, tiền bạc cho những giao dịch kinh tế, đặc biệt là rất phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay.
Từ những xu thế đó, Sở Công Thương đã tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 179/QĐ-UBND ngày 27/01/2021 phê duyệt Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh An Giang giai đoạn 2021 – 2025. Theo báo cáo chỉ số phát triển thương mại điện tử của Hiệp hội TMĐT Việt Nam năm 2020, An Giang xếp hạng 31/63 tỉnh, thành cả nước (tăng 10 bậc so với năm 2015), xếp hạng 5/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Phấn đấu đến năm 2025 đứng hạng thứ 25 của cả nước và đứng hạng thứ 4 của khu vực ĐBSCL về chỉ số phát triển TMĐT.
Nhiều doanh nghiệp, hộ tiểu thương trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động bán hàng, quảng bá cho sản phẩm của tỉnh thông qua điện thoại, mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube,…). Bên cạnh đó, Sở hỗ trợ doanh nghiệp trong tỉnh kết nối với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Lazada, Sendo, Tiki, Amazon, Alibaba, Rakuten,... Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước VN – CN tỉnh An Giang, trong năm 2020, hình thức thanh toán qua Internet Banking tăng 94%, ví điện tử tăng 107% so với năm 2019.
Ngoài ra, Sở Công Thương thường xuyên rà soát, đề nghị các doanh nghiệp, cơ quan thực hiện thủ tục thông báo hoặc đăng ký website Thương mại điện tử với Bộ Công Thương theo đúng quy định của pháp luật và nâng cao uy tín của doanh nghiệp đối với những khách hàng tiềm năng truy cập vào website, bởi các thông tin của công ty đã được xác thực, không vi phạm sở hữu trí tuệ hay các mặt hàng bị cấm kinh doanh, gian lận thương mại. Hiện nay trên địa bàn tỉnh An Giang có 63 doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục thông báo website TMĐT và 04 doanh nghiệp, cơ quan thực hiện thủ tục đăng ký website TMĐT với Bộ Công Thương.
Để phát triển một số loại hình kinh doanh mới trong dịch vụ thương mại, phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid-19 trong giai đoạn hiện nay. Sở Công Thương định hướng phát triển nhiều loại hình kinh doanh mới theo hướng như:
Đa dạng hóa các loại hình thương mại điện tử, bán hàng online, giao hàng tận nơi.
Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng, các nhà mạng viễn thông trên địa bàn tỉnh phát triển thêm nhiều hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua mã QR-code, internet banking, ví điện tử, zalo pay, ViettelPay, VNPT Pay,...
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử vào hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử của Bộ Công Thương, sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh (như trang sanphamangiang.com) và một số sàn giao dịch TMĐT khác trong và ngoài nước.
Tổ chức một số hoạt động kích cầu thương mại điện tử cho người tiêu dùng.
Đẩy mạnh loại hình kinh doanh điểm bán hàng tự động, lưu động tại các điểm công cộng như công viên, bệnh viện, trường học,…
Đẩy mạnh phát triển hơn nữa loại hình kinh doanh mới như kinh tế đêm, chợ đêm.
Tăng cường các chuyến bán hàng Việt lưu động đến các chợ, khu, cụm công nghiệp, khu dân cư (năm 2020: đã thực hiện 100 chuyến hàng; năm 2021 dự kiến sẽ tổ chức 99 chuyến hàng).
Các phiên chợ hàng Việt về nông thôn vùng sâu, vùng xa phục vụ nhu cầu mua sắm cho bà con, không cần phải đi đến chợ thường xuyên để hạn chế tập trung đông người, nâng cao trong công tác phòng, chống dịch Covid-19./.
Vũ Hùng