Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số - động lực phát triển bền vững kinh tế tập thể, hợp tác xã tại An Giang
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khoá IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) cho thấy, khu vực KTTT mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) ở nước ta nói chung và tại tỉnh An Giang nói riêng đã có những chuyển biến tích cực và lĩnh vực KTTT luôn được Đảng, Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, đầu tư phát triển.
Đồng thời, nhận thức về phát triển KTTT, mà trọng tâm là HTX trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân được nâng lên. Chính sách, pháp luật về KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, Liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Năm 2022, tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã thông qua Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới”, đây chính là đường lối, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng về phát triển KTTT trong giai đoạn phát triển mới để từ đó Quốc hội, Chính phủ cụ thể hóa chủ trương quan trọng này bằng các nghị quyết, luật, thông tư để hướng dẫn thực hiện đồng bộ trong cả nước trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
Trong quá trình phát triển KTTT mà nồng cốt là HTX thì vai trò của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số là một trong những nhân tố cốt lõi, quan trọng, quyết định đến sự phát triển này. Quá trình ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển KTTT, HTX gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa tại tỉnh An Giang trong những năm gần đây đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo và thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh An Giang đã thực hiện tốt những chỉ đạo của Trung ương về ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực phát triển KTTT, HTX. Các sở, ban, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ các HTX, Liên hiệp HTX ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa trong lĩnh vực phát triển KTTT thể hiện qua việc liên kết ba bên (hộ nông dân, HTX, doanh nghiệp) trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của tỉnh đã phát triển mạnh trong những năm trở lại đây, qua đó đã đem lại hiệu quả thiết thực và góp phần thúc đẩy việc nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ, chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mặc dù việc ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong phát triển KTTT, HTX trong thời gian qua đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ nhưng chưa đạt kết quả mong muốn, chưa phát huy hết tiềm lực sẵn có của HTX trong phát triển KTTT. Mặt khác, một số ngành, địa phương chưa dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số cho khu vực HTX nhằm để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất sản phẩm nông nghiệp để có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường khu vực và quốc tế.
Thực trạng này cho thấy vị trí, vai trò, sức mạnh của việc ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quản lý, kinh doanh của HTX mang tính cốt lõi, quyết định nhằm mục tiêu phát triển bền vững lĩnh vực KTTT tại An Giang trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Tính đến cuối năm 2022, có 33 HTX có ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quản lý, kinh doanh nông nghiệp, trong đó có 25 HTX có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa. Tiêu biểu có một số mô hình của HTX, Liên hiệp HTX đã thực hiện thành công Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; Trồng dưa lưới trong nhà màng; Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; Trồng chanh bông tím ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm; Kết hợp sử dụng điều khiển quy trình canh tác nông nghiệp qua thiết bị số thông minh (smartphone, máy tính bảng); Nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP; Hệ thống tưới sử dụng pin năng lượng mặt trời,... được tập trung sản xuất tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn như: An Phú, Châu Phú, Phú Tân,Thoại Sơn và Tri Tôn.
Đến quý I/2023, trên địa bàn toàn tỉnh An Giang có 279 HTX đang hoạt động trên 06 lĩnh vực như: (1) Nông nghiệp: 212 (210 HTX và 02 Liên hiệp HTX); (2) Vận tải (27 HTX); (3) Tiểu thủ công nghiệp (05 HTX); (4) Thương mại - Dịch vụ - Du lịch (10 HTX); (5) Khai thác khoáng sản (01 HTX); (6) Quỹ tín dụng nhân dân (24 Quỹ). Tổng số thành viên HTX: 141.099 người; tổng số vốn điều lệ: 3.664 tỷ đồng; tổng tài sản: 5.234 tỷ đồng; tổng doanh thu bình quân: 278,4 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân: 22,62 tỷ đồng; thu nhập bình quân thành viên/người lao động/tháng: 4-5 triệu đồng và tổng số lao động làm việc thường xuyên trong khu vực HTX, Liên hiệp HTX là 6.895 người; có 840 người tham gia quản lý điều hành HTX (169 người có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học trở lên, chiếm 20,1% nhân sự quản lý, điều hành của HTX trong toàn tỉnh An Giang).
Song song đó, tính đến tháng 4/2023, trên địa bàn tỉnh An Giang có 88 sản phẩm của các công ty, doanh nghiệp, HTX, hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh khi ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số có sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP (02 sản phẩm đạt 5 Sao, 14 sản phẩm đạt 4 Sao và 70 sản phẩm đạt 5 Sao). Trong số 88 sản phẩm đạt Chứng nhận OCOP của 59 chủ thể sản xuất kinh doanh, chỉ có 06 HTX (chiếm 10,2%) như sản phẩm: Nhãn Xuồng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Nông nghiệp Khánh Hòa (Châu Phú); Khô ếch một nắng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Chăn nuôi Ếch Khánh Hoà (Châu Phú); Xoài Keo của HTX nông nghiệp Long Bình (An Phú); Sà rông của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (Tịnh Biên); Nước Ép xoài của HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (Chợ Mới). Thực trạng trên cho thấy, các HTX chưa được cơ quan thẩm quyền đầu tư thỏa đáng hoặc có đầu tư nhưng nguồn lực (con người, vốn) của HTX chưa đáp ứng các tiêu chí để được đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quản lý, quảng bá, kinh doanh sản phẩm do HTX làm ra nên chưa cạnh tranh được với các công ty, doanh nghiệp và hộ sản xuất cá thể khác trong toàn tỉnh An Giang. Mặt khác, đến cuối năm 2022, có 62 HTXNN hợp tác, liên kết, tiêu thụ sản phẩm gắn với chuỗi giá trị hàng hóa với gần 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trên cả ba lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Những kết quả đạt được trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số của HTX để phục vụ sản xuất, nâng cao hàm lượng khoa học, công nghệ trên mỗi đơn vị sản phẩm, nhằm gia tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh An Giang trong lĩnh vực phát triển KTTT thời gian qua cho thấy vai trò, sức mạnh của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số cho HTX rất quan trọng, tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như sau:
Thứ nhất, HTX tuy có tăng về số lượng nhưng chất lượng hoạt động chưa cao, phần lớn HTX có quy mô nhỏ, vốn ít, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh đơn dịch vụ, rất ít HTX mạnh dạn ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quản lý, quảng bá, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp.
Thứ hai, việc tuyên truyền thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 từ HTX đến thành viên, hộ nông dân còn gặp khó khăn; nhận thức của một bộ phận lớn người dân, cơ quan quản lý về KTTT, nhất là HTX kiểu mới từng bước được nâng lên nhưng vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX. Tốc độ tăng trưởng khu vực KTTT còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ trọng của HTX đóng góp vào GDP quốc gia chưa ngang tầm, chưa đáp ứng yêu cầu. Vai trò của Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc HTX trong việc hỗ trợ các thành viên về nguồn vốn vay, về chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của các tổ chức quốc tế để tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý, điều hành của các HTX còn hạn chế và khó tiếp cận.
Thứ ba, nguồn kinh phí của Nhà nước, của các tổ chức phi chính phủ lĩnh vực KTTT để đầu tư, hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quản lý, kinh doanh còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các vùng miền, khu vực, địa phương; số lượng HTX tiếp cận được các chính sách hỗ trợ chưa nhiều hoặc khi có chính sách hỗ trợ cho HTX nhưng nội lực của HTX không đáp ứng được các tiêu chí khi tiếp nhận.
Thứ tư, công tác đào tạo, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, quản lý (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên, Kế toán, Cán bộ kỹ thuật) của HTX để tiếp cận, nhận chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu của các đơn vị, tổ chức đầu tư do trình độ của cán bộ kỹ thuật, quản lý của HTX còn yếu và chưa đồng đều.
Thứ năm, chưa có sự liên kết, hợp tác giữa các HTX cùng ngành nghề, cùng địa phương với nhau để chia sẻ cán bộ tư vấn kỹ thuật, thiết bị, công nghệ sản xuất, thông tin thị trường đầu vào và đầu ra, nếu có liên kết thì chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp và mang tín cục bộ địa phương.
Từ tồn tại, hạn chế, yếu kém nêu trên, cho thấy vai trò của khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mang tính đột phá, cốt lõi, quyết định, là động lực để phát triển bền vững KTTT mà nồng cốt là HTX tại tỉnh An Giang trong giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo, cần đặc biệt quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, doanh nghiệp về bản chất, vai trò, cơ chế hoạt động của HTX và sự đóng góp của lĩnh vực KTTT vào nền kinh tế quốc gia. Các HTX cần được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng, có ứng dụng ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong mọi hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất và gia tăng hàm lượng khoa học, công nghệ trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Hai là, rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách, hỗ trợ, ưu đãi HTX thông qua các chương trình, đề án, dự án nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX tiếp cận ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ lạc hậu sang công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng,… trong mọi hoạt động sản xuất, quản lý, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.
Ba là, tăng cường, nâng cao năng lực, đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác sản xuất, công tác quản lý HTX (Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát/Kiểm soát viên, Kế toán, Cán bộ kỹ thuật) các kiến thức, kỹ năng khi tiếp cận, ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số vào mọi hoạt động của HTX. Cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, chất lượng cao cho HTX, việc ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các HTX hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực, đa dạng hoạt động với nhau.
Bốn là, các HTX cần xác định được các yếu tố như thị trường mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng để căn cứ vào những thông tin này mà tạo ra giá trị thiết thực bằng việc số hóa các quy trình sản xuất, quản lý, kinh doanh an toàn và hướng đến phương thức xúc tiến thương mại qua mạng Internet.
Năm là, tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với HTX và gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương trong việc hỗ trợ phát triển KTTT. Đặc biệt, tăng cường rà soát chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ thông qua các chương trình, đề án, dự án và thực hiện một số mô hình hỗ trợ không hoàn lại, hỗ trợ không cần vốn đối ứng của HTX khi ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số tại một số địa phương trong toàn tỉnh cho những sản phẩm đặc trưng, cụ thể của địa phương (OCOP) rồi tổng kết, đánh giá và nhận rộng ra các địa phương khác trong toàn tỉnh An Giang.
Sáu là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX; tiếp tục rà soát, thay đổi chính sách về đào tạo và thu hút người có trình độ cao, người giỏi (lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ) về công tác tại HTX lâu dài; tiếp tục thực hiện chính sách đưa cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học về làm việc có thời hạn tại HTX, đặc biệt cán bộ có trình độ cao về kỹ thuật, công nghệ để có thể tiếp cận, ứng dụng được khoa học, công nghệ, chuyển đổi số vào mọi hoạt động của HTX.
Bảy là, tiếp tục phát huy vai trò tư vấn, hỗ trợ, đào tạo, đào tạo bổ sung của Liên minh Hợp tác xã tỉnh An Giang, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mật trận Tổ quốc trong việc hỗ trợ HTX tiếp cận ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ nhằm phát triển bền vững KTTT mà trọng tâm là HTX.
Tóm lại: Muốn ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số - động lực phát triển bền vững KTTT, HTX tại tỉnh An Giang trong giai đoạn hiện nay thì cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên và cần làm ngay. Các ngành chức năng, các địa phương có liên quan đến lĩnh vực phát triển KTTT cần tham mưu cho cấp có thẩm quyền ưu tiên bố trí “nguồn lực đặc thù cho HTX” tiếp cận ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số vào mọi hoạt động của HTX thì sự nghiệp phát triển KTTT của Đảng và Nhà nước ta mới bền vững, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới” của Trung ương Đảng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo tại tỉnh An Giang./.
Tiến sĩ Đào Thanh Hoàng
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh An Giang (nguyên Phó Trưởng Cơ quan Thường trực Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tại phía Nam).