Youtuber Nguyễn Ngào, trao tay kinh nghiệm, thiện nguyện cứu thương
Không chỉ chủ động tìm kiếm thông tin trên Internet và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất có hiệu quả, nhiều nông dân còn chia sẻ cho nhau kinh nghiệm từ những mô hình mới, hiệu quả kinh tế cao thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Youtube…
Từ kết nối thông tin chia sẻ kinh nghiệm sản xuất…
Được lập cách đây 5 năm với 2 video đầu tiên chỉ mang tính giải trí phục vụ mục đích lưu giữ kỉ niệm là chính và chỉ thực sự hoạt động sôi nổi hơn một năm qua, kênh youtube có tên Nguyễn Ngào đã thu hút hàng trăm ngàn lượt người xem, tương tác và trên 10.000 người đăng kí theo dõi. Chủ nhân của kênh youtube này có tên đầy đủ là Nguyễn Văn Ngào, ngụ ấp Tân Huệ xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Ông Ngào cho biết, bản thân là một người nông dân, đam mê ca hát nên cách đây vài năm thông qua mạng xã hội, ông có lập một kênh youtube để đăng tải những video do chính mình biểu diễn nhưng chỉ đăng được 2 clip thì ngưng. Khoảng hơn một năm nay, ông mới bắt đầu cho đăng tải trở lại những đoạn video ngắn; nhưng khác với lần trước, nội dung của những video lần này là chia sẻ kĩ thuật canh tác lúa.
Khi được hỏi vì sao có sự thay đổi này, người đàn ông trạc tuổi ngoài 50 với khuôn mặt phúc hậu, nước da ngăm, tóc pha sương, từ tốn trả lời: trải qua nhiều năm canh tác liên tục, đất bị thoái hóa, áp lực bệnh hại, biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn nạn lúa cỏ. Bản thân có nhiều năm canh tác lúa, thấu hiểu hết những nỗi nhọc nhằn, cơ cực của người nông dân trên cánh đồng nên muốn thông qua mạng xã hội chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất có được để giúp bà con nông dân giảm bớt khó khăn, nhất là vấn đề phòng trừ lúa cỏ nên video đầu tiên chia sẻ về kĩ thuật trồng lúa là tôi nói ngay vấn đề diệt trừ lúa cỏ, ông Ngào bộc bạch.
Trong những năm gần đây, lúa cỏ (hay còn gọi là lúa ma, lúa dại) không chỉ xuất hiện ở trong tỉnh mà còn lan rộng ra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng hạt gạo và là nguồn lây lan mạnh ra các vụ tiếp theo. Hướng mắt về màn hình chiếc điện thoại thông minh, không micrô cài áo như những youtuber chuyên nghiệp, bên cạnh là bụi lúa cỏ vừa mới nhổ từ ruộng về, ông Ngào cứ thế chậm rãi phân tích cơ chế nảy mầm, lưu tồn trong đất, gây hại và cách phòng trừ chúng như thế nào cho hiệu quả…
Nông dân Dương Tấn Phát canh tác lúa tại huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cho biết: bản thân đã tham khảo, áp dụng nhiều cách diệt trừ lúa cỏ của nhiều người nhưng cách của anh Ngào hướng dẫn là dễ làm và hiệu quả nhất; sau khi thu hoạch lúa xong, anh đốt rơm, bơm nước vô ruộng nhử cho lúa trong đất lên, đến khi chuẩn bị xuống giống thì lấy thuốc cỏ chết nhanh (cỏ cháy) xịt bỏ, đem máy cày vô làm đất và xuống giống; xịt diệt mầm, chủ động lên nước sớm để ém cỏ và lúa cỏ, áp dụng biện pháp này vài vụ, lúa cỏ giảm hẳn.
Ngoài chia sẻ cách phòng trừ lúa cỏ, ông Ngào còn chia sẻ cách quản lý, phòng trừ bệnh hại trên lúa: đạo ôn, lem lép, vàng lá chín sớm, vàng cam chết cây… bởi theo ông Ngào, đây là những bệnh hại nguy hiểm ở giai đoạn lúa trổ lẹt xẹt đến chín, giai đoạn mà bà con đầu tư gần như toàn bộ vốn liếng trong một vụ sản xuất vào đây, nếu quản lý không tốt các loại bệnh hại trên thì nguy cơ mất mùa rất cao, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận, gây khó khăn cho cuộc sống.
Lấy kinh nghiệm thực tế của bản thân chia sẻ lại những cái bà con nông dân cần, không vì mục đích tư lợi, nhận tiền hoa hồng của các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng mà nói tốt cho sản phẩm của họ được, bởi cùng làm nông, ông không khỏi xót xa, hậm hực khi mua phải những sản phẩm nhái, giả nhãn hiệu, “tiền mất, tật mang”. Dẫn chúng tôi đi tham quan miếng ruộng của gia đình, ông Ngào cho biết mỗi một loại phân bón xuống gốc hay một loại thuốc phun trên lá ông đều thử nghiệm trước, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới giới thiệu cho bà con sử dụng và ở mỗi loại phân, thuốc ông đều nói rõ thành phần, hoạt chất, để bà con thuận tiện trong việc lựa chọn sản phẩm thay thế chứ không nhất thiết sử dụng sản phẩm như của ông đang áp dụng, có như thế bà con mới tin, an tâm làm theo, không nghĩ mình vụ lợi họ. Những phản hồi tích cực ở phía dưới phần bình luận của mỗi video phát hành trên youtube là minh chứng rõ nhất cho tính hiệu quả của những giải pháp mà ông hướng dẫn.
Không chỉ chia kinh nghiệm canh tác giúp bà con nông dân, ông Ngào còn tư vấn hỗ trợ qua điện thoại, zalo. Vụ lúa Đông xuân và Hè thu năm 2024 vừa qua, không chỉ bản thân ông mà bà con nông dân lại đối mặt với một đối tượng gây hại mới là rầy cánh phấn, có nơi bà con gọi là rầy cánh trắng ở giai đoạn lúa làm đòng đến chín, nhiều nơi nông dân bỏ mặc đám ruộng vàng hoe, xơ xác vì đã áp dụng nhiều cách mà không khỏi… có rất nhiều bà con nông dân ở các tỉnh khác gọi về hỏi ông cách diệt trừ con rầy này. Trước đó, ông cũng đã chủ động tìm kiếm thông tin, qua sách báo, internet, trực tiếp quan sát trên ruộng và nắm được cơ chế gây hại của chúng. Sau đó, ông bắt đầu áp dụng các biện pháp đặc trị tổng hợp. Bởi theo ông, đối tượng gây hại này không thể áp dụng một biện pháp mà giải quyết được; khi cây lúa có dấu hiệu hồi phục, ông đem “bí kíp” đi chia sẻ. Để thuyết phục bà con áp dụng, ông mạnh dạn mua “lúa non” ở những mảnh ruộng bị nhiễm rầy cánh phấn để điều trị. Cuối vụ, nhìn lúa trĩu bông, chủ ruộng tiếc đứt ruột, năn nỉ, xin ông cho chuộc lại, ông cũng vui vẻ chấp nhận.
Nhờ bón phân có trộn kèm sản phẩm kích rễ kết hợp xịt các loại thuốc như anh Ngào hướng dẫn mà 2ha lúa Hè thu được cứu, cuối vụ có lời chút ít; thời điểm đó tưởng chừng như thất trắng, khi lúa đến ngày trổ mà bị nghẹn đòng, vàng hoe do di chứng của rầy cánh trắng gây ra, mọi người khuyên nên bỏ đi, đừng đầu tư nữa sẽ lỗ nặng, anh Nguyễn Văn Hiếu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang nhớ lại.
Ngoài trực tiếp sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm trồng lúa trên youtube, ông Nguyễn Văn Ngào còn thành lập tổ hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống cộng đồng. Với diện tích 4 ha trồng lúa của gia đình ban đầu, đến nay qua 5 năm sản xuất, nhận tiêu thụ lúa giống cho các công ty lúa giống có uy tín trên thị trường như Công ty TNHH Agrimex, Công ty giống cây trồng miền Nam... Ghi nhận những đóng góp đó, hàng năm Hội Nông dân xã cũng tổ chức tổng kết “Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” và tặng giấy khen cho nông dân Nguyễn Văn Ngào, ông Nguyễn Quốc Tình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Vọng Thê cho biết thêm.
Đến những chuyến xe cứu thương trong đêm
Ngoài là chủ nhân của kênh youtube có hàng ngàn nông dân đăng kí theo dõi, ông Ngào còn được biết đến bởi công tác thiện nguyện ở địa phương.
Tham gia công tác từ thiện xã hội từ rất sớm và khi phong trào xã hội hóa mua xe cứu thương ở địa phương diễn ra, ông Ngào tình nguyện tham gia vào đội lái xe cứu thương 0 đồng của xã.
Ngoài tham gia ca trực lái xe vào ban đêm, hàng tháng ông còn chuyển 3 triệu đồng mua nhiên liệu, số tiền này do một mạnh thường quân, quen biết ông trên kênh youtube gửi tặng. Dù công việc vất vả nhưng tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn khi bản thân góp phần giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, khi có người gọi hỗ trợ là bất cứ giá nào cũng phải lái xe đi ngay bởi chậm trễ thì tính mạng người bệnh thêm nguy hiểm, mỗi lần đưa đi cấp cứu kịp thời được một người, tôi rất vui mừng như giúp được chính người thân của mình, ông Ngào tâm sự.
Kết thúc mỗi chuyến xe, điều ông nhận lại đó là lời cảm ơn từ những người được giúp. Những chuyến xe cứu thương cứ lăn bánh mang đến niềm vui và sự sống cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. Việc làm của ông Ngào giúp lan tỏa những hành động đẹp giữa cuộc sống đời thường. Ông vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ bất cứ khi nào người bệnh cần dù mưa hay nắng.
Trước sự phát triển của công nghệ thông tin, những nông dân năng động, nhạy bén đã khai thác được các tính năng tiện lợi của mạng xã hội tạo ra cộng đồng chia sẻ những kinh nghiệm sản xuất, lan tỏa yêu thương. Có thể nói ông Ngào là một trong những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, Bác Tôn về chăm lo đời sống Nhân dân mà mỗi người cần học tập. Ông Nguyễn Quốc Khánh – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thoại Sơn nhận xét về việc làm của ông Nguyễn Văn Ngào./.
TC - HM