Skip to main content

Năm học mới - nỗi lo và nỗ lực của nhiều gia đình để cho con cái chữ

Năm học mới 2024 - 2025 sắp đến cận kề, như một lời hứa hẹn quen thuộc sau những ngày hè, các gia đình phải lo sách vở, tính toán chi phí đầu năm sau khi con em nhập học. Nhiều khoản thu dồn vào cùng thời điểm, khiến phụ huynh luôn canh cánh nỗi lo, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

lt1

Với những gia đình làm công nhân, cũng như không có nghề nghiệp ổn định phải làm thuê, làm mướn là một nỗi trăn trở của những bậc phụ huynh, nhưng với quyết tâm và nghị lực lo cho con ăn học đến nơi đến chốn để có tương lai tốt hơn” thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn mà cha mẹ đã chịu trong cuộc sống hiện nay. Năm học mới với nhiều khoản tiền như: “Đồng phục, sách giáo khoa, tiền học, BHYT… đầu năm nào cũng khiến các gia đình khó khăn lo đủ bề.

lt2

Chính phủ ban hành Nghị định 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí. Theo đó, điều chỉnh lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP.

Tức là, học phí năm học 2023 - 2024 của giáo dục đại học tăng so với học phí năm học 2022 - 2023, nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Như vậy, từ năm học 2024 - 2025, học phí ở các trường đại học sẽ tăng khá cao theo lộ trình về mức thu học phí quy định tại Nghị định 81. Điều này đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng.

lt3

Qua các đợt tư vấn tuyển sinh, đưa học sinh đến tận các trường đại học để “mục sở thị”, các trường THPT nói chung đều quan tâm đến việc chọn ngành học, học phí, triển vọng nghề nghiệp theo xu thế thị trường hiện nay…

Xét về thực lực học sinh hiện nay khá đồng đều, không thua kém các em ở thành thị. Với những em cuối cấp, hầu hết tự ý thức nghiên cứu về nghề nghiệp, nắm bắt nhu cầu thị trường rất tốt. Trở ngại duy nhất là một số ngành học triển vọng nhưng có học phí khá cao.

lt4

Đại diện một số trường đại học đã thông tin, dự kiến sẽ có điều chỉnh theo hướng tăng ở năm học tới, nhưng không quá cao nhằm tạo điều kiện cho người học. Nhiều phụ huynh có con em ở vùng nông thôn cho rằng, cần tiếp tục có chính sách để các trường đại học điều chỉnh học phí phù hợp, không quá áp lực cho người học theo đuổi các ngành ước mơ.

Bên cạnh học phí, mức đóng bảo hiểm đầu năm học mới cũng được liệt kê trong số nỗi lo chung của nhiều người. Người dân bày tỏ lo lắng khi lương cơ bản tăng và mức đóng bảo hiểm tăng theo. Giáo viên cũng băn khoăn, lo ngại thu bảo hiểm đầu năm học sẽ gặp nhiều khó khăn.

lt5

Theo đó “Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn truyền thông chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên trước thềm năm học mới 2024 - 2025. Về quyền lợi, mức đóng, phương thức tham gia BHYT, học sinh, sinh viên tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 30% và ngân sách địa phương hỗ trợ thêm (nếu có). Phụ huynh, học sinh, sinh viên có thể linh động lựa chọn đóng BHYT theo 4 phương thức: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng một lần”.

Đầu tháng 8, rất nhiều tổ chức, hội, đoàn thể đã khởi động công tác vận động, trao quà hỗ trợ năm học mới giúp học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đến trường. Trong đó, hình thức tiếp sức chủ yếu là tặng xe đạp, học phẩm, học bổng, đồng phục, BHYT… Sự chung tay của cộng đồng khẳng định mối quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp trồng người với thế hệ tương lai của đất nước.

Để Tháng hành động Vì sự nghiệp giáo dục đạt kết quả và lan tỏa ý nghĩa, các địa phương, ban, ngành tích cực tuyên truyền và mong muốn nhận được sự đồng hành của những tấm lòng hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức để không có học sinh nào phải bỏ học vì thiếu điều kiện đến trường./.

                          Trang Phong