Hiệu quả chuyển đổi số ở Thoại Sơn
Thời gian qua, công tác chuyển đổi số ở Thoại Sơn được quan tâm thực hiện cả chiều rộng và chiều sâu trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội huyện.
Bà Đào Thị Bích Huyền – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “Để chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử được thực hiện tập trung, thực chất, hiệu quả, huyện Thoại Sơn đã có những sáng kiến, cách làm về chuyển đổi số như: Mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng của 17 xã, thị trấn và 76 tổ khóm, ấp được thành lập đi vào hoạt động với hiệu quả hướng dẫn, tuyên truyền người dân tham gia Đề án 06/CP, làm định danh điện tử mức 2, nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt...
Mô hình ngày không nhận hồ sơ giấy vào ngày Thứ 5 hàng tuần tại Bộ phận 01 cửa xã Bình Thành và xã An Bình. Huyện đã tập trung nâng cấp trang thông tin điện tử huyện.Tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức về công nghệ thông tin, khai thác dịch vụ công, ứng dụng các phần mềm điện tử, phục vụ Trang thông tin điện tử ở 17 xã, thị trấn”.
Ông Trương Huy Hoàng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Hòa cho biết: “ Thị trấn luôn quan tâm đầu tư cở sở vật chất để bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả qua dịch vụ công trực tuyến chủ động giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính liên quan đến công dân. Đi đôi với đó chú trọng tuyên truyền cho người dân chủ động tiếp cận chuyển đổi số. Địa phương đã thực hiện mô hình ứng dụng phần mềm zalo kết nối giữa chính quyền với người dân, phục vụ công tác thông tin tuyên truyền, cải cách TTHC, xây dựng chính quyền điện tử rất hiệu quả từ năm 2022 đến nay. Công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, những vấn đề nổi bật, văn bản mới… của thị trấn ngoài phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh, còn được chuyển tải đến nhân dân theo hình thức số hóa trên phần mềm zalo. Năm 2023, UBND thị trấn Phú Hòa đã thành lập Tổ Quản trị thông tin truyền thông thị trấn Phú Hòa. Tổ Quản trị là bộ phận giúp việc của UBND thị trấn Phú Hòa trong việc tiếp nhận, xử lý, biên tập, cập nhật thông tin, trả lời nhanh các phản ánh, kiến nghị của người dân; phản tuyên truyền các thông tin sai lệch gây bức xúc dư luận; phối hợp trả lời kiến nghị phản ánh của công dân; quản lý vận hành trang thông tin địa phương”.
Công tác tuyên truyền luôn được huyện Thoại Sơn đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với phát huy lợi thế của CNTT để triển khai. Huyện đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các tổ công nghệ số cộng đồng; các nhóm zalo nội bộ để chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, thông tin, tuyên truyền đến người dân.
Các phòng, ban chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các đơn vị Y tế, Trường học trên địa bàn huyện có chữ ký số. Trên 90% văn bản được ký số; Cung cấp thiết bị Token chữ ký số cá nhân cho lãnh đạo, CBCC, viên chức thực hiện ký số hóa tài liệu lưu giữ vào kho dữ liệu. Thanh toán Dịch vụ công qua nhiều hình thức (thanh toán trực tuyến, trả kết quả qua dịch vụ Bưu chính viễn thông, trả kết quả trực tiếp tại cơ quan).
Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với số lượng hồ sơ trực tuyến trên tổng số hồ sơ Thủ tục hành chính của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 50%.
Tích hợp dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của huyện với Cổng Dịch vụ công quốc gia các danh mục dịch vụ công trực tuyến đạt 100%. Tất cả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh phải được xử lý theo quy trình trên Hệ thống một cửa điện tử tỉnh đạt 100%.
Bà Đào Thị Bích Huyền – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện cho biết: “ Huyện sẽ tập trung chuyển đổi số một số ngành, lĩnh vực trọng yếu; xác định chuyển đổi số là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để có giải pháp và lộ trình thực hiện phù hợp. Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được phân công chuyên trách, kiêm nhiệm về chuyển đổi số, an toàn thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị để tham mưu tốt, góp phần cải thiện chất lượng công tác xây dựng chính quyền điện tử”.
UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số, nhất là hỗ trợ người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực kinh tế, xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp; khuyến khích doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.
Với bước đi và lộ trình cụ thể, tin tưởng mục tiêu chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử ở Thoại Sơn sẽ tiếp tục đạt hiệu quả tích cực hơn trong thời gian tới. Qua đó, tăng cường sự công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp./.
Anh Thư